Cần quan tâm công tác giáo dục SKSS vị thành niên trong nhà trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong một giờ ngoại khóa, khi tổ chức cho học sinh tiến hành thảo luận và giải đáp thắc mắc về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tôi thực sự giật mình vì những hiểu biết của các em quá sơ sài, đặc biệt là về vấn đề quan hệ tình dục (QHTD) ở lứa tuổi này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhìn những gương mặt non tơ của học sinh, ít ai nghĩ nhiều em đã phải sớm chuốc lấy những nỗi lo âu không biết tỏ cùng ai. Khi cho thảo luận bằng các câu hỏi tại lớp thì rất ít em dám đề cập tới vấn đề này. Nhưng khi thay đổi bằng hình thức viết câu hỏi kín rồi chuyển lên bàn giáo viên tôi đã thực sự ngỡ ngàng. Các em có rất nhiều điều thắc mắc, qua đó cũng cho thấy vốn hiểu biết về giới tính, về sức khỏe sinh sản vị thành niên của các em còn quá ít. Có em hỏi: "Tuổi vị thành niên hôn nhau nhiều có ảnh hưởng tới sức khỏe không ạ? Em đã có bạn trai, chúng em thường hôn nhau do bạn ấy thích thế nhưng em thì rất sợ các bệnh tật. Mặc dù ngày nào về nhà em cũng đánh răng nhưng em vẫn lo sợ". Có học sinh lại viết rằng: "Bạn trai em nói chưa đủ 18 tuổi thì không thể có con được nên cứ yên tâm quan hệ...". Và rất nhiều câu hỏi được kết thúc bằng điệp khúc: "Em đã có bạn trai và đã quan hệ tình dục, em rất lo sợ, em phải làm sao đây?...". Những thắc mắc và cả những tâm sự thật thà của các em không những làm tôi ngạc nhiên mà còn giật mình.

Chị bạn tôi công tác tại khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, năm ngoái các chị vừa đỡ một ca đặc biệt, sản phụ là một học sinh đang học lớp 10, trong khi đang chạy giờ thể dục thì bị ngất xỉu, đưa vào viện, bác sỹ khám tử cung đã mở 7 phân và chỉ 30 phút sau một bé trai nặng 2,4 kg đã ra đời. Mẹ của em gái này nói: "... Giờ ân hận thì đã quá muộn. Nghĩ lại nguyên nhân cũng chỉ vì mình không mấy khi dành thời gian tâm sự với con về những vấn đề liên quan đến giới tính, trong khi trẻ mới lớn lên lại rất hay tò mò và dễ mắc phải sai lầm... Tiếp xúc với một số phụ huynh khác, tôi thấy họ rất tin tưởng vào con cái, đa số đều nói rằng "cháu rất ngoan, chăm làm việc nhà và không bao giờ quan tâm tới vấn đề chuyện trai gái...". Thực ra, trong tâm tư của các em có rất nhiều điều thắc mắc nhưng vì ngượng ngập hay sợ bố mẹ la mắng nên không mấy khi dám hỏi han về vấn đề này. Còn trong nhà trường thì vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em ở nhiều nơi cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trước những hậu quả mà chính bản thân các em phải gánh chịu, thiết nghĩ nhà trường, gia đình và cả xã hội cần phải có sự phối hợp đồng bộ, cùng giáo dục để các em có những hiểu biết đúng đắn và lành mạnh về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Hãy gạt bỏ sai lầm rằng: làm thế là "vẽ đường cho hươu chạy" bởi đã có quá nhiều em do thiếu hiểu biết nên phải "ôm" những nỗi lo không đáng có và mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Đặc biệt là với các em nữ thì tình trạng có thai ngoài ý muốn không chỉ khiến cho các em phải chịu những đau đớn về thể chất mà còn là sự suy sụp về tinh thần và cả những biến chứng trầm trọng không lường trước được về thai sản.

Đã đến lúc chúng ta không thể né tránh việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về giới tính, tình dục và các biện pháp tránh thai cho các em học sinh lứa tuổi vị thành niên để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Cami