Yên Bái nỗ lực thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2023 | 1:49:29 PM

YênBái - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình cho biết: qua giám sát các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), Thường trực HĐND tỉnh đề xuất 3 nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; về quản lý nhà nước và đầu tư nguồn lực cho việc bảo đảm chất lượng GDPT.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên.

Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thành lập đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT 2018  đối với UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn có liên quan của UBND tỉnh, các địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Thực hiện hai nghị quyết trên, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và phương án dạy học, sắp xếp học sinh lớp 10 vào học ở các tổ hợp môn học theo đăng ký của học sinh. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. 

Nội dung SGK mới giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học, kênh chữ kênh hình đẹp, dễ hiểu, có hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh được thực hành nhiều hơn… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn có những khó khăn, vướng mắc. 

Thầy giáo Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: dù cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng hiệu quả dạy và học của nhà trường, đặc biệt là khi triển khai Chương trình GDPT 2018. 

Cùng đó, đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, song còn thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn. Nhà trường kiến nghị với đoàn giám sát cần kế hoạch đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, đầu tư thêm thiết bị dạy học, cơ sở vật chất để nhà trường có thể dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng nguyện vọng của học sinh theo Chương trình GDPT 2018. 

Qua giám sát trực tiếp tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), UBND và các trường học tại các huyện: Trạm Tấu, Lục Yên, Trấn Yên cho thấy, với sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, Chương trình GDPT 2018 đã và đang được triển khai khá bài bản, theo đúng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và cơ bản đạt hiệu quả theo mục tiêu nghị quyết của Quốc hội. 

Tỉnh quan tâm đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học; chỉ đạo thực hiện đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. 

Quá trình triển khai thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế của địa phương. Nhận thức về các chủ trương đổi mới GDĐT, nhất là việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT 2018 nâng lên…

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại. Yên Bái là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn mà Chương trình GDPT 2018 có môn học mới, môn tích hợp, trong khi giáo viên THCS và THPT hiện tại chỉ được đào tạo để dạy một hoặc hai môn; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất chưa đảm bảo để đáp ứng việc tổ chức dạy các môn học mới; thiếu phòng học và thiết bị dạy học. 

Ngoài ra, một số trường có quy mô số lớp đông, số học sinh/lớp còn cao, vượt điều lệ quy định; tỷ lệ học sinh lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học được học Tin học mới đạt 32,9%, học Tiếng Anh đạt 64,8%, trong khi đây là hai môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018; học sinh vào lớp 10 lựa chọn tổ hợp cảm tính cũng là vấn đề được cho là khó khăn khi triển khai chương trình mới... 

Để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, SGK GDPT, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình cho biết: qua giám sát các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện đổi mới Chương trình GDPT, Thường trực HĐND tỉnh đề xuất 3 nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; về quản lý nhà nước và đầu tư nguồn lực cho việc bảo đảm chất lượng GDPT. 

Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT tiếp tục quan tâm ban hành các chủ trương để tăng cường, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ giá SGK đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt là các học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng vừa ra khỏi khu vực II, khu vực III, xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xem xét, sớm ban hành phương án thi tuyển sinh THPT, tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. 

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên để địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Thanh Chi