Nhà máy Sắn Văn Yên - bất ổn từ vùng nguyên liệu

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2023 | 7:42:36 AM

YênBái - Mối "lương duyên” giữa Nhà máy Sắn và vùng nguyên liệu đang nảy sinh nhiều bất cập. Nếu không khắc phục được những bất cập này, chắc chắn sẽ phá vỡ mục tiêu mà Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái - đơn vị tiên phong theo đuổi trong nhiều năm qua...

Đến trung tuần tháng Giêng, Nhà máy Sắn Văn Yên mới chỉ đủ nguyên liệu cho một dây chuyền chế biến.
Đến trung tuần tháng Giêng, Nhà máy Sắn Văn Yên mới chỉ đủ nguyên liệu cho một dây chuyền chế biến.

Chúng tôi đến thăm Nhà máy Sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái khi vừa kết thúc niên vụ chế biến sắn 2022 - 2023. Qua thực tế và những gì nghe được, chúng tôi cảm nhận nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít điều trăn trở. 

Vui vì, tinh bột sắn chủ yếu xuất sang Trung Quốc, mà năm trước gặp cảnh đóng biên, nhưng rồi cũng đã tiêu thụ hết khoảng 30.000 tấn cùng 6.500 tấn bã khô tiêu thụ trong nước và sắn của nông dân cũng tiêu thụ ổn định... 

Điều trăn trở, ấy là mối "lương duyên” giữa Nhà máy và vùng nguyên liệu đang nảy sinh nhiều bất cập khiến Nhà máy gặp bất ổn. 


Nhà máy Sắn Văn Yên - điển hình cơ sở chế biến nông sản 

Nhà máy Sắn Văn Yên là điển hình cơ sở chế biến nông sản của tỉnh có chính sách, giải pháp quan tâm bài bản đối với vùng nguyên liệu. Cụ thể, trong 8 xã quy hoạch vùng nguyên liệu của Nhà máy tại huyện Văn Yên với diện tích khoảng 3.000 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn luôn được Nhà máy chú trọng hợp tác với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững; lựa chọn, khảo nghiệm đưa vào trồng những giống sắn có năng suất, chất lượng tinh bột cao; thu mua sản phẩm cho nông dân luôn bảo đảm giá cao hơn thị trường.

Các đại lý thu mua sắn cho Nhà máy sau khi hoàn thành khối lượng hợp đồng đều được khuyến khích thu mua vượt sản lượng 20.000 đồng/tấn; hàng nghìn tấn vỏ sắn sau khi vệ sinh nguyên liệu đưa vào nghiền bột được ủ men vi sinh thành phân bón cấp không đến chân nương cho người trồng sắn. 

Ngoài ra, Nhà máy còn nhiều giải pháp khác: đầu tư công nghệ thu hồi nước thải chế biến để xử lý tạo thành khí gas không để ô nhiễm môi trường; thu mua cành ngọn gỗ rừng trồng, đầu mẩu chế biến gỗ; bã quế sau chưng cất tinh dầu làm chất đốt chế biến tinh bột và đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm mua nhiên liệu. 

Những giải pháp tiết kiệm này, nói như ông Trần Công Bình - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là: "Để phục vụ cho hợp tác nghiên cứu khoa học phát triển vùng nguyên liệu; đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả chế biến sắn, hạ giá thành sản phẩm và quan trọng hơn cả là thêm nguồn kinh phí để mua sắn cho nông dân cao hơn giá thị trường”. 

Những giải pháp sáng tạo, rất phù hợp với thực tế địa phương đã gián tiếp mang lại nhiều lợi ích cho cả người trồng quế, trồng cây lấy gỗ và đặc biệt là người trồng sắn, nên nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Nhà máy và vùng nguyên liệu đã bảo đảm tính ổn định trong liên kết sản xuất, kinh doanh (SXKD) với sản lượng mỗi niên vụ chế biến, Nhà máy tiêu thụ cho nông dân từ 130.000 đến trên 140.000 tấn sắn tươi; trong đó, riêng các xã vùng nguyên liệu sắn là khoảng 60.000 tấn.

Bất ổn vùng nguyên liệu 

Tuy nhiên, trong niên vụ chế biến 2022 - 2023 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thông thường, sau tết Nguyên đán vài ngày là Nhà máy có đủ nguyên liệu cho 2 dây chuyền chế biến. Nhưng niên vụ này, đến trung tuần tháng Giêng mới chỉ đủ nguyên liệu cho một dây chuyền. 

Dự kiến, sau tết, Nhà máy thu mua khoảng 1/3 sản lượng sắn còn lại trong vùng nguyên liệu, nhưng hầu như không mua được và sản lượng cả niên vụ tại vùng nguyên liệu  chỉ đạt 37.000 tấn (gần 2/3 sản lượng); tổng sản lượng thu mua chung cả niên vụ chế biến của Nhà máy chỉ đạt 110.000 tấn (giảm ít nhất trên 20.000 tấn so với niên vụ trước). 

Đặc biệt, có những xã xa Nhà máy như Lâm Giang với sản lượng sắn khoảng 18.000 tấn và Nhà máy trước đây thường thu mua đạt từ 11.000 tấn trở lên, nhưng nay chỉ mua được 1.500 tấn. Cũng vì thiếu nguyên liệu mà Nhà máy phải kết thúc niên vụ chế biến sớm hơn nửa tháng so với trước.


Nguyên nhân thiếu nguyên liệu là do niên vụ này tăng đột biến cơ sở chế biến giữa vùng nguyên liệu  của Nhà máy. Cụ thể, trong vùng hiện có 6 cơ sở chế biến bột ẩm, 2 cơ sở sấy sắn khô; trong đó, có 3 cơ sở chế biến bột ẩm và 1 cơ sở sấy khô mới mở. Các cơ sở chế biến bột ẩm tập trung tại 3 xã nhiều nguyên liệu: Lâm Giang 3 cơ sở; An Bình 2 và Đông An 1. 

Cùng anh Nguyễn Xuân T. - cán bộ phụ trách nguyên liệu của Nhà máy đi qua 3 cơ sở chế biến bột ẩm từ xã An Bình lên Lâm Giang và thấy các cơ sở này đều nằm cạnh bờ sông Hồng mà không có hệ thống xử lý nước thải chế biến. 

Lý giải về việc tại sao Nhà máy mua nguyên liệu cho dân cao hơn giá thị trường, nhưng vẫn khó nguồn mua, ông Phạm Đình Long - Phó Giám đốc Nhà máy Sắn Văn Yên cho biết: Do liên kết SXKD nên Nhà máy từ lâu mua sắn của nông dân thông qua hệ thống đại lý tại các xã vùng nguyên liệu. Các đại lý mua theo hình thức cân sắn cho dân khi họ chở đến xưởng tập kết; trong khi đó, các xưởng làm bột ẩm hoặc sấy khô thì nằm ngay giữa vùng có sản lượng sắn cao và họ mua sắn đến tận chân nương. 

"Để bảo đảm nguyên liệu cho SXKD, Nhà máy đã phải nỗ lực tìm kiếm nguyên liệu từ các tỉnh, huyện, xã lân cận vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, hậu quả kéo theo là nguyên liệu chủ yếu sắn giống cũ, không được đầu tư chăm sóc đúng mức; sắn trồng xen quế, cây lâm nghiệp mới trồng nên có sự cạnh tranh dinh dưỡng rất cao, củ gầy guộc, lượng tinh bột thấp; khi chế biến phải loại bỏ nhiều rễ, đầu củ không có tinh bột; giá thành chi phí cho vận chuyển tăng cao”… - ông Long nói

Anh H. - chủ một xưởng sấy sắn ở xã Lâm Giang cho biết: "Hiện, tôi sấy đến đâu, được anh em ở dưới xuôi đứng ra tiêu thụ hết”. Bên cạnh đó, việc "nở rộ” các xưởng chế biến bột ẩm trong vùng nguyên liệu của Nhà máy cũng là minh chứng cho nhu cầu tiêu thụ sắn khô, tinh bột sắn trong nước, nên vẫn có người đang tiếp cận vùng nguyên liệu sắn của Nhà máy để thăm dò mở xưởng chế biến. 


Một cơ sở chế biến sắn tinh bột ẩm ở Văn Yên không có hệ thống xử lý nước thải chế biến. 

Thực tế này, nếu không được khắc phục thì niên vụ chế biến 2023 - 2024, Nhà máy Sắn Văn Yên sẽ gặp phải những khó khăn khó lường về nguyên liệu. Trong khi đó, Công ty cổ phần LNSTPYB đang trực tiếp tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở Văn Yên. 

Trong điều kiện muôn vàn khó khăn của năm 2022, nhưng Công ty vẫn là đơn vị nộp ngân sách Nhà nước thuộc tốp đầu của tỉnh, với 38,5 tỷ đồng; trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn đóng góp lớn cho ngân sách. Nếu không khắc phục được những bất cập đang diễn ra trong vùng nguyên liệu, chắc chắn sẽ phá vỡ mục tiêu mà Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái - đơn vị tiên phong theo đuổi trong nhiều năm qua. Đó là, bám sát chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh dưới các hình thức như: liên kết "4 nhà" (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) hoặc hình thức phát triển nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường…

Cần biện pháp kiểm soát, ngăn chặn cơ sở chế biến sắn tự phát

Thiết nghĩ, để hóa giải những bất cập đang diễn ra trong vùng nguyên liệu Nhà máy Sắn Văn Yên, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các ngành chức năng cần có biện pháp kiên quyết để kiểm soát, ngăn chặn các cơ sở chế biến sắn tự phát ở Văn Yên - một lĩnh vực chế biến nông sản rất dễ gây ô nhiễm môi trường và dễ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. 

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên cần chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã vùng nguyên liệu không để các cơ sở chế biến sắn tự phát, không đủ điều kiện SXKD mở ra trên địa bàn. Đồng thời, việc khắc phục tình trạng các cơ sở chế biến mở tràn lan trong vùng nguyên liệu cũng chính là giải pháp quan trọng từ phía Nhà nước nhằm bảo vệ các cơ sở chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, có chiến lược bài bản trong phát triển SXKD gắn với bảo vệ môi trường và đồng hành với phát triển vùng nguyên liệu mang tính tiềm năng của tỉnh. 

Cùng với các giải pháp trên, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ lợi ích của mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, để nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh.

Hoàng Nhâm