YênBái - YBĐT - Chúng tôi được bác Phạm Xuân Khánh - Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Lai (Yên Bình) giới thiệu đến thăm mô hình kinh tế VACR của gia đình bác Trần Văn Tình ở thôn Cây Luồng.
Vợ chồng bác Trần Văn Tình đang chăm sóc đàn bò.
|
Căn nhà gỗ 3 gian của bác Tình nằm giữa rừng keo lai đều tăm tắp với một ao cá rộng, khiến chúng tôi cảm giác đây tựa như một khu du lịch sinh thái. Năm 1978, bác rời quân ngũ với hành trang là chiếc ba lô có vài bộ quần áo lính. Năm 1979 lập gia đình ở tỉnh Lào Cai, được ít ngày thì gia đình bác chuyển về ở xã Cảm Nhân. Đến năm 1985, gia đình bác lại về định cư tại thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai và ở cho đến bây giờ. Trong căn nhà gỗ của bác, chúng tôi thấy rất nhiều thứ đồ dùng sinh hoạt hiện đại như tivi, xe máy... Những tài sản ấy bác đều mua được từ làm kinh tế VACR. Bác tâm sự: "Trước kia gia đình tôi cũng khó lắm! Vợ chồng quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn". Nhưng rồi bác bỗng nhận thấy nơi mình ở còn nhiều đất trống đồi trọc, nên bác đã nhận khai hoang quản lý 10 ha đất rừng và đồi hoang để tạo dựng cơ nghiệp. Hàng ngày bác Tình cùng gia đình lên rừng phát cỏ lau để trồng keo và bồ đề. Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm trồng rừng nên keo và bồ đề bị chết nhiều, cả gia đình phải đi học hỏi kiến thức lâm nghiệp ở một số nơi. Tuy vậy, thành công vẫn chưa đến, khi số cây đó đến tuổi khai thác, chất lượng gỗ kém nên cũng không thu được bao nhiêu tiền. Tuy nhiên bác nghĩ: "Có thất bại thì mới có thành công" và quyết tâm làm lại từ đầu.
Với bản tính cần cù, ham học hỏi bác Tình đã không ngừng tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng rừng và chăn nuôi. Tiếp tục trồng 7 ha keo lai hiện nay đã được 3 năm tuổi, 3 ha còn lại bác để trồng sắn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thu mua sắn cho bà con trong khu vực về làm lò sấy sắn khô để bán được giá cao hơn. Khi rừng keo đã qua thời kỳ kiến thiết cơ bản, bác vay vốn để mua 5 con bò cái sinh sản, hiện nay đàn bò nái ấy đã sinh thêm 5 bê. Lợi thế nhà gần hồ, bác chủ động đắp đập làm ao để nuôi trồng thuỷ sản. Với 1 ha ao hồ, bác ngăn ra làm đôi, một bên nuôi cá giống còn một bên để thả các loại cá thịt như: trắm, trôi, mè, chép... mỗi năm cho thu trên 10 triệu đồng. Được biết, mấy năm trước gia đình bác còn nuôi rất nhiều lợn nái và lợn thịt, nhưng bây giờ con cái đi làm xa và lập gia đình riêng không có người làm nên rút xuống chỉ còn 2 con lợn nái, vài trăm con gia cầm. Hàng năm trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình bác cũng được trên 30 triệu đồng. Dự tính vài ba năm nữa, khi 7 ha keo cho thu hoạch thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Còn hiện nay, mô hình trang trại của gia đình bác Tình đang là một địa chỉ để cho nhiều hộ đến tham quan, học tập.
Nhìn rừng keo đang lớn, đàn bò béo núc ních và bầy gia cầm đông đúc... tôi thật sự khâm phục ở ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu chính đáng của người lính già trên đất Xuân Lai.
Hồng Duyên