Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2023 | 7:38:04 AM

YênBái - Vào lúc 7 giờ sáng, hơn 100 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị của huyện Trạm Tấu đã có mặt đông đủ tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù để tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân”.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.


Người dân trong bản phấn khởi hơn khi được biết đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng tham gia lao động ngày cuối tuần với bà con. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đi ủng, vai vác cuốc hăng hái đi ngược dốc lên nương sản xuất với bà con. Trời lất phất mưa bay, sương vẫn còn giăng mờ trên đỉnh núi. Trên nương, không khí lao động đã diễn ra hết sức hăng say. Tiếng cuốc lật đất xen tiếng cười, tiếng gọi nhau bỏ phân, bỏ giống vào hố. 

Thấy nhiều người ngạc nhiên khi mình gọi khoai sọ nương là "cọ cay”, chị  Sùng Thị Máy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mù giải thích: "Người Mông gọi khoai sọ là "cọ cay” (cọ nghĩa là khoai, còn cay là tròn như quả trứng). Thứ củ này đã giúp cho bao gia đình vượt qua cái đói "giáp hạt” một thời đấy!”.

Giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, trắng, dẻo, đậm, thơm đang được người tiêu dùng ưa chuộng. "Khoai sọ nương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, cây ngô và một số cây trồng khác, nên người Mông mình đã biết "yêu cọ cay” rồi đấy”! Câu nói của chị Máy khiến tất cả bật cười và xua tan đi sự mệt nhọc, hăng say lao động tiếp. 

Vừa cuốc hố, bỏ phân, vừa trò chuyện với bà con, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy rất phấn khởi khi biết, trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong huyện, nên diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu ngày một tăng nhanh: năm 2021 đã trồng được 212 ha, tăng 132 ha so với năm 2020; năm 2022 trồng được 401 ha; năm 2023, huyện phấn đấu trồng 600 ha. Trạm Tấu đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, bền vững với diện tích lớn như: xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ... 


  
Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu tham gia lao động cùng bà con trong "Ngày cuối tuần cùng dân” tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù. 

Khoai sọ nương Trạm Tấu đã được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy, với trên 600 ha dự kiến cho thu hoạch khoảng 4,500 tấn vào cuối năm nay với giá từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg sẽ đem về thu nhập cho người dân trên 70 tỷ đồng. Nhanh tay giúp anh Chang A Dì - người dân thôn Mù Thấp gỡ chiếc lù cở đeo trên lưng nặng trĩu khoai giống đặt xuống đất, Bí thư thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy hỏi thăm: 

- Nhà mình năm vừa rồi có trồng được nhiều khoai không anh? 

- Nhà mình trồng được khoảng 4.000 mét vuông khoai thôi cán bộ ạ! Sau khi thu hoạch cũng được hơn 1 tấn củ” - Chang A Dì phấn khởi đáp lời.

- Thế có được nhiều tiền không cho mình vay một ít? - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi vui.

- Cũng được vài chục triệu nhưng không cho vay được. Mình còn dành tiền mua phân để mở rộng diện tích khoai nữa chứ!

Câu trả lời mộc mạc của anh Dì khiến tất cả cùng cười phấn khởi. Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù Hoàng Văn Đông đỡ lời: "Nhà Dì chịu khó làm kinh tế lắm! Ngoài trồng khoai, trồng lúa, anh còn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và trong nhà hiện có 14 con bò, 1 con trâu và 7 con lợn. 

Anh Dì là một trong những đảng viên gương mẫu làm kinh tế giỏi ở địa phương. Không những gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, không sinh con thứ 3 và hôn nhân cận huyết thống”. 

Nghe vậy, anh Dì khiêm tốn bảo: "Đấy là trách nhiệm của người đảng viên thôi. Năm nay, nhà mình không còn nhiều nương để mở rộng trồng khoai, song nhất định sẽ vận động, giúp đỡ bà con trong thôn, trong xã mở rộng thêm nhiều diện tích vì khoai sọ bây giờ tiêu thụ dễ lắm, giá lại cao. Ngoài bán khoai cho hợp tác xã thì mình còn bán trên điện thoại nữa. Cọ cay đã mở hướng thoát nghèo cho dân”. 

Anh Dì cười sảng khoái, nắm chặt tay Bí thư Tỉnh ủy như thể khẳng định chắc chắn lời hứa của mình với người đứng đầu tỉnh. Nụ cười cũng rạng rỡ hiện lên trong lấm tấm mồ hôi trên khuôn mặt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi thấy đồng bào Mông ở huyện Trạm Tấu giờ đây đã thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bà con chủ động đăng ký mở rộng diện tích, chủ động mua giống, phân bón để trồng khoai sọ mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và có mặt tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Huyện Trạm Tấu tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán và phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP từ 4 - 5 sao... 



Đảng viên Chi bộ thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt chi bộ có sự tham gia của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Trong dịp đến làm việc tại huyện Trạm Tấu, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã dự sinh hoạt chi bộ cùng các đảng viên trong Chi bộ thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau. Chi bộ có 21 đảng viên; trong đó, có 20 đảng viên chính thức. 

Bí thư Chi bộ Tàng Ghênh Thào A Dơ cho biết: các đảng viên trong Chi bộ cùng với các đoàn thể của thôn đã hướng dẫn, vận động người dân tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Chủ động chuẩn bị giống, phân bón, đất, nước để gieo cấy lúa vụ xuân bảo đảm đúng khung lịch thời vụ; giáo dục, y tế được quan tâm chăm lo; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đạt 98%; người dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với thực hiện các hương ước, quy ước thôn; thôn không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, sinh con thứ ba... 

Phát biểu với các đảng viên trong buổi sinh hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy bày tỏ băn khoăn khi Tàng Ghênh còn là thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao... Để đời sống nhân dân ngày một cải thiện, sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ luôn gương mẫu, đi đầu trong cung cách làm ăn, phát triển kinh tế theo đúng phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. 

Trước hết, 21 đảng viên trong Chi bộ phải là người năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới, làm kinh tế giỏi, phấn đấu trở thành 21 hộ khá và giàu để Tàng Ghênh trở thành thôn thoát nghèo tiêu biểu của xã. 

Quan tâm đầu tiên là việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế, đem lại sự thay đổi lớn về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào và thiết thực nâng cao sự hài lòng về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Từ hơn 3 năm trước, "Ngày cuối tuần cùng dân” được phát động và giờ đây đã trở thành thông lệ để cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Yên Bái được gần dân, sát cơ sở đến tận thôn, bản, tận nhà, được chia sẻ với bà con từ vùng thấp đến vùng cao. Điều đó, đã giúp bà con cởi mở, phấn khởi hơn và trực tiếp chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cán bộ; đồng thời, cán bộ cũng tiếp thu, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc kịp thời để Đảng gần dân, dân tin và theo Đảng.

Mạnh Cường