Lục Yên thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2023 | 7:32:35 AM

YênBái - Lục Yên là địa phương nằm trong khu vực có tiềm năng khoáng sản rất lớn. Hiện, trên địa bàn huyện có 10 giấy phép thăm dò khoáng sản cấp cho 9 đơn vị với tổng diện tích 478,3 ha.

Hoạt động khai thác đá vôi trắng của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại huyện Lục Yên. (Ảnh: T.L)
Hoạt động khai thác đá vôi trắng của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại huyện Lục Yên. (Ảnh: T.L)

Trong 10 giấy phép có 8 giấy phép thăm dò đá vôi trắng do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp, 1 giấy phép thăm dò cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh cấp. Đến nay, 10 giấy phép đã hết hạn thực hiện việc thăm dò theo quy định. 

Ngoài ra, huyện hiện có 38 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) cấp cho 36 đơn vị, với tổng diện tích là 584,98 ha. Trong đó, đá làm vật liệu xây dựng thông thường có 5 giấy phép, cát sỏi có 7 giấy phép, than 1 giấy phép và 25 giấy phép cấp khai thác đá vôi trắng. 

Trong 38 giấy phép nêu trên, Bộ TNMT cấp 23 giấy phép, đều là khai thác đá vôi trắng; tỉnh cấp 14 giấy phép và trong số 38 mỏ có 8 mỏ chưa khai thác do các mỏ hầu hết đang triển khai xây dựng cơ bản và đang hoàn thiện các thủ tục liên quan, 26 mỏ đang khai thác, 4 mỏ dừng khai thác… 

Các doanh nghiệp đã triển khai đưa mỏ vào khai thác ổn định như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Hùng Đại Dương, Công ty cổ phần khoáng sản Yên Bái VPG… 

Ngoài ra, Lục Yên có 5 nhà máy chế biến đá vôi trắng đang hoạt động, 4 công ty khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường kèm theo hoạt động chế biến đá và việc chế biến mới dừng ở công đoạn phân loại và nghiền. 

Để việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mặt, lâu dài và đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, thời gian qua, huyện Lục Yên đã và đang có các giải pháp đẩy mạnh quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. 

Theo đó, UBND huyện thường xuyên phối hợp với Sở TNMT thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp KTKS đóng trên địa bàn huyện. Gần đây nhất, Phòng TNMT huyện phối hợp với Sở TNMT tham gia kiểm tra liên ngành rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đá vôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 

Qua đó, kiểm tra một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đá quý và Vàng Yên Bái, Công ty cổ phần Luyện kim và Khai thác Việt Đức… đã hạn chế tình trạng KTKS trái phép. Đồng thời, phát hiện và xử lý đối với các chủ đầu tư có vi phạm, từng bước đưa hoạt động khoáng sản và việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong KTKS đi vào nề nếp, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. 

Cùng đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp KTKS chấp hành tốt việc lập và trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường; tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; đầu tư, lắp đặt công trình xử lý chất thải… Tuy nhiên, việc quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản trên địa bản huyện vẫn còn gặp hạn chế. 

Cụ thể, nguồn kinh phí chi cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn gặp nhiều khó khăn; đồng thời, là huyện có tiềm năng về khoáng sản, nhưng cơ quan quản lý hiện nay chỉ có 1 cán bộ chuyên môn khoáng sản, nên chưa đáp ứng được khối lượng công việc; cán bộ cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu, giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản của huyện...

Thời gian tới, để hoạt động thăm dò, KTKS của các đơn vị được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật và đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự nơi có hoạt động khoáng sản, huyện Lục Yên sẽ thường xuyên kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm đối với các đơn vị có sai phạm trong quá trình hoạt động đã được nhắc nhở nhưng không kịp thời khắc phục. 

Trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác và phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm đưa dự án vào hoạt động, huyện đề nghị Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện dự án theo quyết định được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. 

Việc thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động KTKS cần được củng cố, công khai để huyện, xã nơi có khoáng sản khai thác nắm và biết được số thu của doanh nghiệp; từ đó, đôn đốc các đơn vị nộp phí theo quy định. 

Các cấp có thẩm quyền xem xét sớm cấp kinh phí phục vụ công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền quy định pháp luật về TNMT, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KTKS cho các cơ quan, xã, thị trấn trong quản lý nhà nước về TNMT nói chung và lĩnh vực khoáng sản nói riêng. 

Thu Hiền