Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2023 | 7:51:28 AM

YênBái - Những năm qua, thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh.

Người dân nhận vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình tại điểm giao dịch xã Thịnh Hưng.
Người dân nhận vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình tại điểm giao dịch xã Thịnh Hưng.

Chương trình cho vay GQVL là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Chương trình có tác động tích cực đến việc thu hút lao động, chuyển dần lao động thuần tuý trong nông nghiệp với mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay GQVL, những năm qua, NHCSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến 173 điểm giao dịch xã, phường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành liên quan thẩm định các dự án phát triển kinh tế, tạo việc làm cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. 

Ngoài việc phối hợp trong thẩm định cho vay, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra để đánh giá hiệu quả vốn vay, xử lý những tồn tại trong quá trình đầu tư vốn. 

Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang được ưu tiên đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh, đặc thù của từng địa phương vừa góp phần tạo việc làm cho người lao động, vừa góp phần nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái, năm 2022, đơn vị được trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ chương trình cho vay GQVL là 237,8 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ 150 tỷ đồng; nguồn vốn NHCSXH huyện huy động 50 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 37,8 tỷ đồng. 

Cùng với nguồn vốn thu hồi từ nợ đến hạn, Chi nhánh đã tiến hành giải ngân cho 4.678 khách hàng với số tiền 298 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.678 lao động. 

Đến hết năm 2022, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trong tỉnh đạt hơn 424 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,2% tổng dư nợ cac chương trình tín dụng ưu đãi (TDUĐ) với 7.658 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.276 lao động với số tiền 150 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Việc giải ngân kịp thời nguồn vốn này đã giúp người dân duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Ông Lê Văn Linh ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi là lao động tự do và bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập giảm sút, đời sống gặp nhiều khó khăn. Với khoản vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, gia đình tôi đã đầu tư trồng mới hơn 1,5 ha rừng và chăm sóc diện tích rừng đã trồng. Nguồn vốn này thực sự là điểm tựa giúp người lao động chúng tôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”. 

Bà Trần Kim Thoa, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Trước đây, tôi có mở cửa hàng tạp hóa, nhưng do thiếu vốn nên chỉ buôn bán vài mặt hàng lặt vặt. Năm 2022, được vay 80 triệu đồng từ gói hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP, gia đình đã mở rộng phương án kinh doanh, đầu tư thêm đồ điện nước, nhập nhiều mặt hàng hơn để phục vụ người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Chương trình cho vay GQVL triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan và nguồn vốn vay này là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái, nguồn vốn NHCSXH trung ương giao cho Chi nhánh trong những năm gần đây mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn. 

Nhu cầu vốn GQVL trên địa bàn rất lớn, đặc biệt là số lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 trở về địa phương. Nguồn vốn được phân bổ mặc dù có tăng so với những năm trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hàng năm quan tâm bổ sung Quỹ quốc gia GQVL để tạo nguồn vốn cho vay đối với người lao động chưa có việc làm và tăng số lao động được GQVL qua từng năm. 

Được biết, năm 2023, ngoài các chương trình TDUĐ thường niên, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách TDUĐ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, riêng chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 là khoảng 150 tỷ đồng, dư nợ chương trình đến hết năm 2023 đạt 300 tỷ đồng.

Văn Thông