“Kỳ tích” ở Hồng Ca - Bài 2: Tư duy mới, con người mới, đời sống mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/3/2023 | 7:26:35 AM

YênBái - Tạm gác lại câu chuyện về những người đầu tiên đặt nền móng cho cộng đồng người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Công lao của họ là không thể phủ nhận, họ xứng đáng được tặng thưởng và ngợi khen. Giờ đây, thế hệ con, cháu của họ đang đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Những con người được sinh ra và lớn lên không phải trên núi cao nữa, tuổi thơ được gắn liền với dòng chảy hiền hòa của con suối Ngòi Lâu thơ mộng, dưới chân núi Ron, núi Tiến hùng vĩ...

Hôm nay, cả 4 thôn người Mông (Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ) của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đều đã trở thành thôn văn hóa. Trong đó, thôn Khuôn Bổ được công nhận là thôn văn hóa kiểu mẫu vào ngày 6/11/2021, thường xuyên được đồng bào người Mông từ khắp các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 



Nói riêng về thôn Khuôn Bổ, người dân trong thôn hiện tại không phải tất cả đều là "hậu nhân" của những người Mông năm xưa từ Phình Hồ, Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu) xuống định cư mà thôn được thành lập năm 1999, sau khi đón 20 hộ đồng bào Mông ở xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) về định cư tại xã, cùng với một số hộ mới được tách ra từ thôn Hồng Lâu tạo thành một cộng đồng hoàn chỉnh, giờ đã lên tới gần 100 hộ dân, trên 400 nhân khẩu. 

Năm 2018, xã Hồng Ca và huyện Trấn Yên quyết tâm xây dựng thôn người Mông Khuôn Bổ trở thành đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra 7 thôn đặc biệt khó khăn còn lại… 

Sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên của nhân dân xã Hồng Ca trong xây dựng đời sống mới, đến hết năm 2022, Hồng Ca đã phát triển được hơn 3.500 ha quế, 1.400 ha tre măng Bát độ, 22 ha cây dược liệu kết hợp trồng dưới tán rừng, 105 ha trồng cây ăn quả có múi; hàng chục hộ dân được hỗ trợ sản xuất, khai hoang 423,9 ha lúa nước; sửa chữa và làm mới nhà ở cho hàng chục hộ nghèo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ nước sinh hoạt. 

Các hộ nghèo, đặc biệt là ở các thôn người Mông đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Dư nợ năm 2016 là 12 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên trên 50 tỷ đồng. 

Xã phối hợp với các trung tâm đào tạo mở 15 lớp đào tạo nghề cho 450 lao động nông thôn và 35 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở được tập trung đầu tư, đã mở mới trên 20 ki-lô-mét đường vào khu sản xuất, kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nông thôn được 54 ki-lô-mét, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới trường học, trạm y tế đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho dạy và học cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành lập 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường… 

Hàng năm, xã đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, tổ chức điều tra và xác định cụ thể nguyên nhân nghèo đối với từng hộ để có kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, giao cho các tổ chức chính trị - xã hội mỗi năm giúp đỡ từ 3 - 5 hộ, huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, để giúp đỡ cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Qua đó, các hộ nghèo đã nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 45,34% xuống còn 9,5% (giảm bình quân 4,3%/năm), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2016 lên 47 triệu đồng năm 2023… 


Nhà báo Tô Anh Hải (giữa) trao đổi với Bí thư Chi bộ Khuôn Bổ Cháng Thị Nhà. 

Hồng Ca có sự chuyển mình mạnh mẽ đến như vậy phải kể đến sự đóng góp to lớn của 4 thôn người Mông. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi thôn đều có những quy định, hương ước cụ thể. Tựu chung lại đều xuất phát từ 3 chủ đề chính, đó là: kinh tế - văn hóa - gia đình. Người Mông ở những bản Khe Ron, Khe Tiến, Khuôn Bổ, Hồng Lâu xã Hồng Ca là những người thực sự hiểu biết, cầu tiến và rất giỏi. 

Về kinh tế, trong nhiều năm qua, người Mông nơi đây đã chú tâm học hỏi kỹ thuật canh tác nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, nhu cầu thị trường để hình thành nên những vùng nguyên liệu dồi dào, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, chế biến nông - lâm sản trong vùng và phục vụ xuất khẩu. 



Chúng tôi vào đến địa phận thôn Khuôn Bổ - thôn có 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống và đã được công nhận là thôn văn hóa kiểu mẫu. Hai bên đường, những đồi tre măng Bát độ, quế bạt ngàn xanh xen lẫn là màu tím đỏ đặc trưng của lá cây dược liệu khôi nhung trồng dưới tán rừng; những ngôi nhà được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc hiện đại… 

Các thôn Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến cũng vậy, bạt ngàn rừng trồng, bừng bừng sức sống. Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi để ý khi đến đây là đường giao thông và nhà ở của đồng bào. Khu vực người Mông sinh sống mà sạch sẽ đến lạ lùng. 

Đường sạch bóng không một vụn rác, sân nhà, trong nhà và cả khu bếp nhà nào nhà nấy đều ngăn nắp, gọn gàng và đầy đủ ánh sáng. Tuyệt vời hơn nữa là nhà nào cũng có hố phân loại rác, nhà vệ sinh được xây dựng xa nhà theo lối hiện đại; hệ thống dây phơi, móc treo quần áo được thiết kế khoa học… không khác gì thành phố. "Cái tiêu chí về "vệ sinh môi trường” trong bộ chuẩn tiêu chí NTM không thể "làm khó” nơi này” - tôi quay sang nói với Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca Hà Cao Luận. 

Vị Phó Chủ tịch chỉ cười rồi đưa tay chỉ cho tôi thấy phía gần cuối thôn giới thiệu: "Xin mời các nhà báo đến thăm nhà Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Đó chính là người đã góp công lớn tạo nên thành tích này đấy”…

Nhà của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ron Vàng A Sò nằm gần cuối con đường bê tông, cũng tức là gần cuối thôn. Căn nhà gỗ khang trang trần ốp gỗ, nền nhà được lát gạch tráng men kích thước 60x60 cm. Trong nhà, ngoài bộ bàn ghế và một bộ sập gỗ to để tiếp khách còn có một chiếc tủ gỗ được đóng theo kiểu thời trang… 

Từng ấy đủ biết sự hiện đại của chủ nhân. Những tưởng "ông” Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phải là một cụ già râu tóc bạc phơ, hay chí ít cũng phải có cháu nội, cháu ngoại rồi. Nhưng không! Đón chúng tôi là một thanh niên mới ngoài 30 tuổi với ánh mắt sáng và nụ cười thân thiện. 

Nói về việc mình làm, Vàng A Sò tâm sự: "Được bà con tin tưởng, tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, mình tự nhủ phải hết sức cố gắng để không phụ lòng nhân dân. Vì thế, những kiến thức tiếp cận được từ bên ngoài về làm kinh tế hay về cuộc sống mình đều chia sẻ hết cùng bà con, cùng nhau trao đổi để cùng nhau phát triển. Quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin, tình đoàn kết thì mới có được sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn các anh ạ”... 

Vàng A Sò là một trong những điển hình người Mông làm kinh tế giỏi trong vùng với gần 10 ha quế và cây dược liệu, thu nhập bình quân mỗi năm vài trăm triệu đồng. Nhà Sò có đầy đủ máy móc làm nông nghiệp, lại chăm chỉ, chịu khó làm ăn, sống chan hòa, gắn bó với bà con làng xóm… nên dù còn trẻ tuổi nhưng đã sớm trở thành người có uy tín, được cộng đồng yêu mến và tin tưởng. 

Được biết, thôn Khe Ron cũng như 3 thôn người Mông còn lại ở Hồng Ca, tiêu chí "sạch” đã được đưa vào quy ước chung từ rất lâu. Trong đó, người Mông nơi đây rất quan tâm thực hiện nhiều "sạch” như: người sạch, nhà sạch, bếp sạch, đường sạch, khu vệ sinh sạch… 

Không phải chỉ là một, hai nhà. Nhà nào cũng vậy, sạch sẽ và ngăn nắp đến không ngờ. Họ giáo dục cho con cháu từ nhỏ đã giữ thói quen này và nó đã dần trở thành ý thức, hình thành nên nếp sống văn minh của cả một vùng - đó chính là văn hóa. Thật vậy đấy, bạn hãy một lần đến thăm những thôn người Mông ở Hồng Ca, bạn sẽ thấy nhà cửa được xây dựng khang trang, vệ sinh môi trường rất sạch sẽ, không khác gì đang ở một khu du lịch văn minh.
 


Người Mông nơi đây rất quan tâm thực hiện nhiều "sạch” như: người sạch, nhà sạch, bếp sạch, đường sạch, khu vệ sinh sạch…  Và không phải chỉ một, hai nhà. Và để có được điều đó không thể thiếu những con người như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ron tuổi 30 Vàng A Sò.  

Và để có được điều đó không thể thiếu những con người như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ron Vàng A Sò. Họ chính là tương lai phát triển vượt bậc của mảnh đất này - nơi đã có nền móng vững chắc, có những con người thông minh, cầu tiến và chăm chỉ thì nơi ấy chắc chắn sẽ phát triển đi lên không ngừng.

Những thành tích về phát triển kinh tế - xã hội và những ngôi nhà "5 sạch” (ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, môi trường sạch) ở 4 thôn người Mông của Hồng Ca thực sự khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và muốn đi sâu tìm hiểu thêm nữa về cái cách mà người Mông nơi đây vượt lên khỏi sự đói nghèo, dần trở thành một hình mẫu lý tưởng cho đồng bào người Mông nơi khác nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung học tập, làm theo. Đó chính là những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi…

Bài: Tô Hải - Thành Trung
Ảnh: Thành Trung - Tô Hải - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung
Bài cuối: Thành công của những "người hùng”