"Yêu cầu đăng kiểm viên trình độ đại học là lãng phí"

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2023 | 8:14:29 AM

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng yêu cầu đăng kiểm viên trình độ đại học là lãng phí và không cần thiết vì công việc giống thợ kỹ thuật.

Sát hạch đăng kiểm viên tại Hà Nội.
Sát hạch đăng kiểm viên tại Hà Nội.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 theo hướng cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.

Đề xuất này đã nới lỏng so với quy định hiện nay. Hiện đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ. Đăng kiểm viên bậc cao ngoài yêu cầu trên phải có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 36 tháng. Sau khi thực tập, người lao động phải thi sát hạch nghiệp vụ đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ủng hộ đề xuất trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh phân tích đăng kiểm là ngành dịch vụ kỹ thuật, thợ có chuyên môn, kinh nghiệm làm việc có thể thao tác trên máy móc kiểm định, kiểm tra các chi tiết, phụ tùng xe, không cần người có trình độ đại học.

Riêng đăng kiểm viên cấp cao, ông Thanh cho rằng cần có trình độ đại học vì có trách nhiệm ký giấy chứng nhận và các hoạt động của trung tâm. Mỗi đơn vị chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên cấp cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng các trung tâm đăng kiểm hiện sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, đăng kiểm viên ít phải dùng kinh nghiệm làm việc. Hoặc có những việc như đối chiếu hồ sơ xe, rà soát số khung, số máy, màu sơn, nhận diện xe thì những thợ cơ khí cũng có thể làm tốt, không cần người tốt nghiệp đại học.

TS Nguyễn Lan Hương, Đại học Indiana (Mỹ), đánh giá điều kiện đăng kiểm viên phải là cử nhân đại học chuyên ngành cơ khí và có thời gian thực tập nghiệp vụ rất "hình thức, nặng tính bằng cấp". Thực tế cử nhân đại học thường được đào tạo lý thuyết mà hạn chế thực hành, trong khi công tác đăng kiểm là kiểm định, giám sát, đánh giá phương tiện. Kiến thức thực tiễn của thợ cơ khí sửa chữa ôtô mới là nền tảng cốt lõi của hoạt động đăng kiểm.

Theo TS Hương, nhiều nước như Mỹ, Canada quy định kiểm định viên thường là thợ cơ khí, có thời gian thực hành sửa chữa ôtô nhất định. Ví dụ, bang Virginia, Mỹ quy định các kiểm định viên được chứng nhận phải ít nhất 18 tuổi và đáp ứng tiêu chuẩn sau: Tối thiểu một năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là thợ cơ khí ôtô hoặc 6 tháng kinh nghiệm thực tế với tư cách là thợ cơ khí ôtô kết hợp với 6 tháng bổ sung và riêng biệt thực tập phụ việc một kiểm định viên được chứng nhận của tiểu bang; hoàn thành chương trình đào tạo về lĩnh vực cơ khí ôtô.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, vẫn có một số người phản đối đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đã giãn chu kỳ, không đăng kiểm lần đầu với ôtô mới. Nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ giảm đi nhiều trong thời gian tới.

Sau đợt khủng hoảng này, nhiều trung tâm tư nhân có thể phải đóng cửa vì ít khách. Nếu hạ thấp tiêu chuẩn đăng kiểm viên có thể dẫn tới nở rộ trung tâm, tranh giành khách không lành mạnh như từng xảy ra và xã hội sẽ phải gánh hậu quả lâu dài. "Đáng ra cần siết chặt tiêu chuẩn đăng kiểm viên và trung tâm thì nay lại đề xuất nới lỏng", ông Thân Văn Thanh nói.

Ngoài trình độ đăng kiểm viên, các chuyên gia đồng tình với dự thảo sửa đổi Nghị định 139/2018 cho phép mỗi dây chuyền kiểm định chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên thay vì 3, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Các trung tâm không bị khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày như hiện nay để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đến ngày 25/3, cả nước có 57/281 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động sau bốn tháng công an cả nước điều tra sai phạm trong ngành này. Tại Hà Nội, TP HCM, các đơn vị chỉ đáp ứng khoảng 30-50% nhu cầu phương tiện. Bộ Công an và Quốc phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ đăng kiểm ở Hà Nội, TP HCM. Mặc dù vậy, tình trạng ùn tắc tại các đơn vị vẫn diễn ra do thiếu đăng kiểm viên. Chủ ôtô không phải mang xe xếp hàng chờ đợi nhiều ngày để đăng kiểm song vẫn phải đăng ký, nhận giấy hẹn sau 2-3 tuần mới đến lượt.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 2/2023, sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định xe. Theo đó, các xe mới chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu, nhiều phương tiện đang sử dụng được giãn chu kỳ kiểm định, góp phần giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm hiện nay.

(Theo VnExpress)