Nông dân Văn Yên bắt nhịp chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2023 | 11:13:06 AM

YênBái - Mạnh dạn ứng dụng tiện ích thông minh từ khâu sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập đang là cách làm của nhiều nông dân thời "4.0" ở Văn Yên.

Hợp tác xã Trung Thành, xã Yên Hợp, Văn Yên trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Hợp tác xã Trung Thành, xã Yên Hợp, Văn Yên trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập với 13 thành viên, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là nuôi cá tầm và phát triển du lịch sinh thái. Bước đầu, HTX đầu tư xây dựng 8 bể nuôi cá nổi ngay dưới chân núi với trên 3.000 con cá giống. 

Tuy được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu và nguồn nước, song để cá sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất chất lượng cao, các thành viên của HTX còn thông qua các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo…, chủ động liên kết với nhà khoa học, các doanh nghiệp chung sức thực hiện mô hình. HTX không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap. 

Ông Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: "Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX chú trọng đầu ra bền vững từ việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở nhiều nhà hàng, siêu thị,… Nhờ đó, sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khắp mọi miền Tổ quốc và có nhiều đơn hàng lớn, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp HTX có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi”. 

Đến nay sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX đã có 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô nuôi 10.000 con/lứa, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm. 

Với giá bán hiện tại 260.000 đồng/kg, sản phẩm cá tầm thương phẩm đã góp phần giúp HTX có nguồn thu ổn định và tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc Mông địa phương.

Bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch; quản lý diện tích, vật tư, quy trình chế biến thông qua công nghệ số, sản phẩm cao của HTX Dược liệu Thanh Sơn, huyện Văn Yên được chế biến 100% nguyên chất từ cây cà gai leo, không sử dụng chất bảo vệ thực vật và chất bảo quản. Để tiết kiệm công lao động, HTX đã đầu tư 30 triệu đồng mua máy băm cây cà gai leo thành thành phẩm thô bán cho các công ty dược trong nước. 

Đồng thời, liên kết với Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam sản xuất cao đặc và cao bột cà gai leo bằng công nghệ cao, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tạo sức cạnh tranh bền vững trên thị trường tiêu thụ. 

Ông Phạm Văn Chiến - Giám đốc HTX Dược liệu Thanh Sơn cho biết: "Ngoài chủ động trong việc bao tiêu sản phẩm, HTX còn xây dựng trang Web riêng để thông tin, quảng bá, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử như Postmat, Voso.vn… Với 2 sản phẩm là cao đặc và cao bột cà gai leo đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX Dược liệu Thanh Sơn đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng đón nhận”. 

Trên thực tế, nhờ CĐS, nhờ ứng dụng thành thạo các tiện ích trên điện thoại thông minh và nhờ có môi trường mạng mà rất nhiều hộ nông dân, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi của nông dân huyện Văn Yên đã quản lý, thực hiện qua phần mềm trên điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và nhân công. Bên cạnh đó, các sản phẩm của nông dân Văn Yên còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. 

Ông Nguyễn Công Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên cho biết: "Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương đã từng bước đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực và phát triển các sản phẩm đặc sản. Năng suất, sản lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập cao, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện”. 

Đơn cử, đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất chuyên canh với các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực như: diện tích quế trên 52.000 ha,  tre măng Bát độ trên 100 ha, cây ăn quả 875 ha, diện tích đất lâm nghiệp 103,564,8ha; tổng đàn gia súc là 130.500 con, sản lượng là 2.000 tấn; xây dựng được 253 mô hình theo hướng đặc sản hữu cơ; phát triển 38 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 36 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao, đưa hơn 130 sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử… 

Qua đó, góp phần đắc lực trong việc cải thiện rõ rệt thu nhập của người nông dân, bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 11% năm 2022 theo tiêu chí mới. Hướng người nông dân tham gia sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Hội Nông dân Văn Yên chú trọng đổi mới, sáng tạo, hội nhập, quyết tâm tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trần Ngọc