Bảo hiểm xã hội Yên Bái đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và Đề án 06

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/3/2023 | 7:30:16 AM

YênBái - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hoàn thiện, mở rộng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Bảo hiểm xã hội Văn Yên hướng dẫn người dân cài đặt VssID - BHXH số.
Bảo hiểm xã hội Văn Yên hướng dẫn người dân cài đặt VssID - BHXH số.

Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hoàn thiện, mở rộng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm. 

Đặc biệt, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di dộng, cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Hiện BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của ngành, tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công của ngành và Cổng dịch vụ công quốc gia, 07 dịch vụ công trên ứng dụng VssID. 

Trên cơ sở các dịch vụ công trực tuyến của ngành do BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện giao dịch điện tử có hiệu quả đối với các lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới các đơn vị sử dụng lao động và người tham gia. 

Như vậy, tất cả các TTHC của ngành đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động. 

Đặc biệt, thực hiện Đề án 06, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc kết nối, khai thác, chia sẻ CSDL để liên thông thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyên môn như: duy trì tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT với 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh, giám định BHYT điện tử và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/ căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý; phối hợp, hỗ trợ liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến... 

Đến nay, toàn tỉnh có 199 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã phối hợp thực hiện và triển khai tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID. 

Đến ngày 13/03, BHXH tỉnh đã xác thực với CSDL quốc gia về dân cư được 637.633 người đang tham gia có trong CSDL về bảo hiểm của tỉnh, đạt 87% tổng số người đang tham gia BHXH, BHYT trong toàn tỉnh. 

Toàn tỉnh đã có 205.545 lượt tra cứu sử dụng căn cước công dân, trong đó có 150.504 lượt tra cứu thành công căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh BHYT. Tính riêng từ 01/01/2023 đến ngày 28/02/2023, đã cấp 1.981 thẻ BHYT trẻ em qua liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp; đã có 118 Giấy khám sức khỏe lái xe được gửi liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến…

Việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong CCHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục khai thác, đưa vào ứng dụng các hệ thống phần mềm nghiệp vụ liên thông tập trung, kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc lĩnh vực giải quyết nghiệp vụ của ngành. Kịp thời rà soát, đề xuất cấp trên việc cập nhật, nâng cấp, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ khi quy định hiện hành có sửa đổi, bổ sung. 

Văn Thông