Sốt xuất huyết và cách phòng bệnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/4/2023 | 8:55:21 AM

YênBái - Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới, với 40% dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ. Mỗi năm, có từ 50 đến 100 triệu người bị sốt xuất huyết (SXH) và hàng nghìn người chết.

Cán bộ Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái giám sát vector tại cộng đồng
Cán bộ Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái giám sát vector tại cộng đồng

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết (SXH) là bệnh dịch lưu hành địa phương, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm. 

Năm 2022, cả nước ghi nhận 361.813 ca mắc SXH, 133 ca tử vong.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 17/3, theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc SXH (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong. 

Tại Yên Bái năm 2022 ghi nhận 143 ca mắc SXH, tăng 141 ca so với năm 2021, trong đó 139 ca bệnh xâm nhập, tăng 137 ca và là số ca mắc cao nhất trong 5 năm, tính từ năm 2018 trở lại đây (năm 2018: 32 ca; năm 2019:  98 ca; năm 2020: 50 ca; năm 2021: 02 ca). Đặc biệt năm 2022 có 04 ca mắc SXH không có yếu tố dịch tễ. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay và chưa từng ghi nhận tại Yên Bái trong 10 năm trở lại đây.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Yên Bái chưa ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên với biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp nên người dân không được chủ quan khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh  giám sát đã xác định được vector truyền bệnh SXH (Aedes albopictus) cả muỗi và các ổ bọ gậy.

Đặc điểm nhận diện muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn Aedes là côn trùng biến thái hoàn toàn với 4 giai đoạn phát triển gồm: trứng - bọ gậy - lăng quăng và muỗi trưởng thành.

Muỗi trưởng thành có thân có màu đen xen những đốm vẩy trắng. Ở tấm lưng ngực giữa có hai đường vẩy trắng bạc, đầu muỗi có vảy trắng bạc, thân và chân có khoang trắng ngang từng đốt, khi đậu thân hình muỗi nằm ngang với bề mặt đậu nghỉ.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi cái trưởng thành ưa thích đốt hút máu người, đốt ban ngày, thường vào chạng vạng tối hoặc sáng sớm, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Đặc biệt, chúng bay rất nhanh, bám theo mồi rất dai dẳng và chỉ bay đi khi đã hút no máu. Muỗi vằn Aedes nhiễm virus có khả năng truyền bệnh suốt đời.
   
Biểu hiện của bệnh:

Người sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành SXH trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như có chấm xuất huyết/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Trường hợp nặng người bệnh có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen; chân tay lạnh, người vật vã, hoặc li bì; huyết áp tụt. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có biểu hiện triệu chứng bệnh nghi ngờ mắc sốt xuất huyết và là người đã sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành SXH trong vòng 2 tuần trước khi khởi phát triệu chứng bệnh thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. 

Không tự mua thuốc điều trị tại nhà; không chữa bệnh bằng thuốc nam và thầy mo cúng.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin phòng bệnh, vì vậy hoạt động giám sát phát hiện, tiêu diệt trung gian truyền bệnh đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia thường xuyên, tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXH. 

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...); thau rửa các dụng cụ chức nước (bể, chum, vại…) hàng tuần. Thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom, loại bỏ các vật dụng phế thải như chai, lọ, bình vỡ, lốp, vỏ xe cũ... lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa, chậu hoa để cho muỗi không còn chỗ trú đậu, sinh sản, phát triển. Vệ sinh nhà ở thoáng, sạch, xếp các đồ dùng vật dụng gọn gàng, đặc biệt chỗ treo, phơi quần áo… để cho muỗi không còn chỗ trú đậu và chờ đốt người.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi...

Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp tốt nhất tiêu diệt muỗi truyền bệnh nhưng phải sử dụng hóa chất có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không sử dụng các hóa chất bán trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có nồng độ thuốc, hàm lượng thuốc và cảnh báo mức độ nguy hại do thời gian tồn lưu của thuốc đối với con người, vật nuôi và cây trồng.

Chuẩn bị vào mùa mưa, nóng ẩm dịch bệnh có thể bùng phát hãy cùng chung tay thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, chủ động tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết vì sức khỏe của bạn, của gia đình và của cộng đồng.

BS Trần Thị Tuyết (Trưởng khoa KST-CT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái)