YênBái - YBĐT - Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, có bước đi phù hợp, huy động được sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao. Đặc biệt, năm 2006 tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 11,2%. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế vượt qua 2 con số.
Thi công bệ móng lò nung Nhà máy Xi măng Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh)
|
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế Yên Bái đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH chưa mạnh mẽ, nhất là bước đi trong CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn còn nhiều lúng túng. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong từng lĩnh vực đã được xác định nhưng chưa có sự đột phá; cơ cấu lao động chưa có chuyển biến rõ nét, nhất là cơ cấu lao động trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và trong khu vực nông thôn.
Kinh tế ngoài quốc doanh chiếm vị trí quan trọng, nhưng phát triển còn mang tính tự phát, chưa có định hướng và quy hoạch cụ thể.
Công nghiệp được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng một số chương trình dự án thực hiện triển khai chậm, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có dấu hiệu giảm và mất dần thị trường; đặc biệt chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Để chuyển dịch được cơ cấu kinh tế theo theo hướng CNH, HĐH, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là: Tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2020, gắn với quy hoạch chung của Chính phủ về vùng Tây Bắc và trung du Bắc Bộ. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế ngành, chú trọng quy hoạch các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn trong từng lĩnh vực.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghề trồng dâu nuôi tằm đã bước đầu mang lại hiệu quả ở huyện Trấn Yên.
Hai là: Phải huy động tốt vốn đầu tư: Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư, cần tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trên cơ sở thông tin rộng rãi các chương trình dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh. Các ngân hàng thương mại cần bám sát các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh để chủ động trong kế hoạch cho vay vốn.
Ba là: Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ phù hợp vào sản xuất. Ngoài việc đầu tư khoa học, công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm có chất lượng, cần tăng cường các dịch vụ về công nghệ thông tin, dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công cho người sản xuất.
Bốn là: Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, chú ý đúng mức thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi. Tiếp tục cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo hướng bán hết phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, để nâng cao vai trò của các cổ đông và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, theo hướng thông thoáng, thân thiện, cởi mở, cùng có lợi, trên cơ sở các quy định chung của Nhà nước. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, thực hiện triệt để cơ chế “một cửa, một dấu”, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền nói chung và đội ngũ công chức nói riêng. Đây là giải pháp chi phí ít nhất nhưng hiệu quả rất to lớn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Yên Bái ngày một nhiều hơn.
Sáu là: Đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục ở các cấp; đẩy mạnh xã hội hoá việc đào tạo nghề và cán bộ kỹ thuật; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư đầu ngành và công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất.
Bảy là: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh trong khu vực và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng... sẽ tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế Yên Bái phát triển mạnh, nhất là huy động được vốn, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tám là: Phấn đấu đưa khu công nghiệp tập trung của tỉnh vào quy hoạch khu công nghiệp quốc gia để được hưởng chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp. Đồng thời khuyến khích các huyện, thị, thành phố xây dựng các cụm công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư, xây dựng các làng nghề, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, lao động tại chỗ, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.
Minh Lý