Lên rừng làm giàu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là câu chuyện về ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu của anh Nguyễn Văn Thạnh-thôn Khe Bút-một trong 18 thôn vùng cao còn nhiều khó khăn của xã Lâm Giang, huyện Văn Yên.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh đến thăm một gia đình thương binh làm kinh tế giỏi ở xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). (Ảnh: Sơn Nam)
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh đến thăm một gia đình thương binh làm kinh tế giỏi ở xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). (Ảnh: Sơn Nam)

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở miền quê Hưng Yên, năm 1962 anh Thạnh theo cha mẹ lên xây dựng vùng kinh tế mới ở đây. Từ đây anh bắt đầu công cuộc khai phá đất hoang đầy sỏi đá, cùng cha mẹ lo miếng ăn, cái mặc cho gia đình. Sau khi ổn định cuộc sống thì anh được cha mẹ lấy vợ và cho ra ở riêng với "tài sản" là một khu đồi rừng trong thung lũng Khe Bút. Nhìn khu đồi rộng mênh mông hàng chục ha đầy lau sậy và sỏi đá người trong thôn đều bảo:"Cày cấy được trên đất cằn này mà sống thì quả là có chí".  Vốn tính siêng năng, chăm chỉ nên anh Thạnh bắt tay ngay vào công việc. Từ phát nương, đào từng gốc cỏ chè vè rậm rạp chất thành đống để đốt cho tới việc tỷ mỉ nhặt nhạnh từng viên đá lớn, nhỏ xếp vào ven đồi để lấy đất trồng cây. Ngày đó phong trào trồng mía ở Lâm Giang rất mạnh, anh Thạnh đã cùng gia đình ngày ngày đào rãnh, bỏ phân trồng mía, trồng nhãn và theo bà con trong vùng trồng cây quế nên đã cho anh chút thu nhập từ nghề nấu mật mía trong những năm đầu. Để đảm bảo vừa có nguồn nước tưới tiêu, vừa tăng gia chăn nuôi thêm thu nhập, anh Thạnh tính chuyện đào ao nuôi cá. Ban đầu là một sào, rồi hai sào ao thả đầy cá chép, trôi và trắm cỏ. Nuôi thấy cá rất mau lớn, lại có dư nguồn nước tưới cho vườn cây và cải thiện được cuộc sống, anh quyết định tiếp tục đào thêm 3 sào ao nữa để nuôi cá thịt. Các loại cá nuôi cũng ngày càng phong phú đa dạng hơn cho hợp với nhu cầu người tiêu dùng như cá mè, rô phi đơn tính, chép lai...Thời điểm cao nhất một vụ cá 5 sào ao của anh cũng cho thu nhập trên 10 triệu đồng, chưa kể đàn lợn hàng chục con mỗi năm xuất chuồng 2 tấn lợn thịt. Không tự bằng lòng với chính mình và cũng không chịu dừng lại ở đó, thấy đồi rừng rộng và thung lũng Khe Bút đầy cỏ non, anh Thạnh bàn với gia đình chăn nuôi thêm đàn gia súc, gia cầm. Hưởng ứng phong trào trồng sắn cao sản của huyện phát động, sẵn có đất đai, anh trồng thêm 2 vạn gốc sắn cao sản và 1 vạn gốc quế, đến nay đồi quế của gia đình anh đã được 8 năm tuổi.

 

Đưa chúng tôi đi một vòng thăm trang trại, anh Thạnh hhồ hởi:"Vụ này cây sắn cao sản được giá nên gia đình cũng đã có thêm nguồn thu 15 triệu đồng". Qua đồi keo lai rộng mênh mông và xanh ngút mắt, chúng tôi còn được anh Thạnh dẫn đến thăm đồi bồ đề, mỡ với những cây mỡ thẳng tắp 7 năm tuổi to bằng phích nước và rừng trám 2 năm tuổi chừng 5000 cây đang hứa hẹn nguồn thu nhập lớn. Anh Thạnh nói đùa vui:"Số mình đúng là phải lên rừng mới làm giàu được". Được biết mấy năm nay đời sống kinh tế của bà con trong thôn Khe Bút của anh cũng như trong xã phát triển rất mạnh. Số hộ có nhà xây ngày một tăng lên, như người Dao ở thôn Làng Cài là thôn khá nhất xã có tới 80% hộ có nhà xây, trong đó nhà Bí thư chi bộ Lý Trương Định có tới 50 con trâu bò sinh sản. Điểm mạnh của Khe Bút nói riêng và 18 thôn, bản trong xã Lâm Giang nói chung như nhận xét của anh Thạnh là các thôn rất đoàn kết, đồng bào các dân tộc như anh em một nhà, cùng giúp nhau phát triển kinh tế nên bộ mặt vùng cao Lâm Giang có rất nhiều đổi mới. Với bản thân, anh Thạnh từ lâu đã coi đây là quê hương thứ hai của mình và cùng người dân trong thôn, trong xã dốc sức xây dựng quê hương.

 

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là năm 2006 vừa qua, anh Nguyễn Văn Thạnh còn giúp đỡ thêm ngày công, tiền và cây, con giống cho nhiều hộ đồng bào dân tộc trong thôn, trong xã trị giá hàng chục triệu đồng để có thêm điều kiện phát triển kinh tế và làm giàu. Nhờ đó đến nay xã Lâm Giang không còn hộ nào thiếu đói, số hộ có kinh tế khá, cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm trở lên chiếm gần 50%, riêng thôn Khe Bút vốn khó khăn đã trở thành một trong những thôn có kinh tế khá của xã. Cách làm giàu và ý chí, nghị lực thoát nghèo, vượt khó của anh Nguyễn Văn Thạnh ở thôn Khe Bút thật xứng đáng là tấm gương cho mọi người noi theo.

 

Thanh Hương