YênBái - YBĐT - Ngày cuối năm, nhâm nhi ly cafe, anh bạn là giám đốc doanh nghiệp tư nhân tâm sự: “Tớ đã từng đi đào vàng kiếm sống rồi đấy. Thời khó khăn, đói vàng mắt, ai nghĩ mình lại được như bây giờ. Đúng là nhờ đổi mới mà mình đổi đời, ông nhỉ?”. Anh nói đúng quá, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN của Đảng đã tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển. Những doanh nhân chí thú làm ăn, đang có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển và được xã hội quý trọng...
Nguyễn Hồng Quang bấm nút vận hàng dây chuyền Nhà máy gạch tuynel 12 triệu viên/năm.
|
Nhà máy gạch tuynel 12 triệu viên/năm của Công ty cổ phần Quang Thịnh đi vào hoạt động là một sự kiện ở Văn Chấn 2006. Thị trường rộng lớn, tiêu thụ từ 20-25 triệu viên gạch/năm trước đây bỏ ngỏ. Người ta phải đưa gạch từ thành phố Yên Bái, từ Phú Thọ vào hoặc dùng gạch đốt thủ công. Giữa năm ngoái, Giám đốc Công ty cổ phần Quang Phú - Nguyễn Hồng Quang đón tôi đi thăm nhà máy đang xây dựng. Mặt bằng 5.000 m2 vừa san gạt xong, đi thăm công trường, Quang say sưa nói những ý tưởng và cả gian truân của đời mình. Hoá ra, ông chủ này là cựu chiến binh, đã đánh những trận chí tử với bọn bảo an ở Tây Nguyên, trước khi vào giải phóng Sài Gòn. Đất nước thống nhất, giải ngũ về công tác tại Nhà máy chè Trần Phú, không lâu, anh xin ra làm ăn ngoài, mở doanh nghiệp xây dựng. Năm 2001, Công ty cổ phần Quang Thịnh ra đời trên cơ sở huy động vốn góp của anh em, người lao động và tích luỹ của doanh nghiệp. Với sự chín chắn nhưng năng động đậm chất “lính”, anh lập dự án xây dựng Nhà máy gạch tuynel. Chỉ sau nửa năm thi công, tháng 9/2005 nhà máy chính thức đóng điện chạy thử tải. Bây giờ thì nhà máy gạch 12 triệu viên/năm của Quang đang chạy hết công suất, gạch ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, những ngày cao điểm, chạy tới 200% công suất thiết kế.
Năm 2007, sẽ đầu tư thêm nhà xưởng, sân cáng phơi để nâng công suất. So với những dự án cỡ hàng trăm tỷ thì dự án sản xuất gạch tuynel của ông chủ này còn khiêm tốn, nhưng người ta cảm phục và quý mến anh bởi sự vươn lên, dám nghĩ dám làm, luôn quan tâm quyền lợi người lao động, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước. Doanh thu mỗi năm một tăng, năm 2006 doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước trên 200 triệu đồng, thu nhập người lao động bình quân từ 1 - 1,2 triệu/tháng. Làm ăn hiệu quả, có chữ tín, Công ty cổ phần Quang Thịnh của giám đốc Nguyễn Hồng Quang đã và đang có những đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở một vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái...
Rất nhiều du khách sau khi ở đây đã quanh trở lại. |
Tổ chức quốc tế về bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI) vừa chọn Khách sạn Hạnh Hoa Viên của Công ty TNHH xây dựng và du lịch Trâu Vàng của ông Nguyễn Ngọc Hiên làm nơi tổ chức Hội thảo quốc tế trong một tuần ở Yên Bái. Ông Hiên người gốc Hưng Yên, theo gia đình lên lập nghiệp ở Yên Bái, đem theo thương hiệu Trâu Vàng nổi tiếng đã qua bao thăng trầm và chính ông làm sống lại thương hiệu một thời ấy. Những năm giữa thập kỷ 80, trên nền đất của Hạnh Hoa Viên bây giờ là khu đất um tùm mơ, mận. Một căn nhà tuềnh toàng, ông chủ gầy gò, nhàu nhĩ vừa xin nghỉ chế độ để tìm kế sinh nhai nuôi vợ và năm đứa con. Có lẽ, cái dẻo dai, không chịu khuất phục số phận của một dòng họ có tiếng làm ăn ở đồng bằng sông Hồng đã giúp ông trụ qua được ở thời kỳ khó khăn của đất nước. Cái cách mà ông Hiên chọn để vươn lên lúc bấy giờ thật không giống ai: làm du lịch. Vay vốn khắp nơi, ông đầu tư xây dựng nhà nghỉ, bể bơi, trồng rừng sinh thái và Hạnh Hoa Viên ra đời. “Mỗi năm, Hạnh Hoa Viên đón từ 7.500 - 8.000 khách, trong đó có đến 1/3 là khách quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc...
Ông Hiên tâm sự: “Nếu tôi làm khách sạn tráng lệ, phục vụ thật đờ-luých thì chưa chắc thu hút du khách. Cách làm của tôi là chọn du lịch sinh thái. Người ta muốn nghỉ ngơi ở nơi sang trọng thì đã ở thành phố, môi trường sinh thái là cái để thu hút du khách”. Quả là Hạnh Hoa Viên có môi trường sinh thái tuyệt vời. Những biệt thự nhỏ nằm yên tĩnh dưới những tán tre, trúc, luồng, mơ, mận, quế... Mọi kiến trúc đều tôn trọng môi trường và giữ được không gian vốn có. Cùng với thời gian, Hạnh Hoa Viên nâng dần tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ đã được công nhận là khách sạn ba sao và là một trong những khách sạn tư nhân có uy tín được du khách chọn lựa và giới thiệu cho bè bạn mỗi khi lên Yên Bái. Ngày đầu năm, nhâm nhi ly rượu, thư thái ngắm những nhành mơ mận e ấp nụ tinh khiết trong tiếng ríu rít của chim rừng ở Hạnh Hoa Viên, thấy thật tuyệt…
Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình - Bùi Văn Dân thực tế điểm xây dựng Nhà máy thuỷ điện Nậm Tăng tại Trạm Tấu. |
Ngày cuối năm, tôi điện cho
Bùi Văn Dân - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình đi cùng sang nhà máy chế biến gỗ rừng trồng ở xã Quy Mông, Trấn Yên có công suất 5.000 m3/năm đặt ở vị trí rất thuận tiện: đường bộ từ Quốc lộ 37 đi vào, theo đường Đông An-Quy Mông về Yên Bái đi xuôi. Vị trí này, có thể thu hút nguyên liệu từ các địa phương trong vùng, nhà máy gần sông có thể vận chuyển gỗ nguyên liệu từ Lào Cai về mà cước phí rẻ, an toàn hơn nhiều so với đường bộ. Cũng thời điểm này, Nhà máy thủy điện Hưng Khánh do Thanh Bình đầu tư sẽ vào hoạt động và là nhà máy đầu tiên trong nhóm 14 dự án thủy điện chính thức phát. Tôi nhớ, khi cùng Dân thăm công trường thủy điện Nậm Tăng, tôi hỏi: "Sao ông đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ, đỡ rủi ro mà quay vòng nhanh hơn?”. Dân cười: “Mình từng kinh doanh thương mại - dịch vụ rồi chứ, nhưng có vẻ không hợp, ông à". Vài năm lại đây, Thanh Bình được các chủ đầu tư nhắc tới với sự tín nhiệm cao. Những người thợ của Công ty TNHH Thanh Bình đã thi công những tuyến đường “ác liệt” nhất như Tà Xi Láng - Làng Nhì, Nậm Mười - Sùng Đô, Mỏ Vàng - An Lương... Không bó hẹp trong một ngành nghề, Bùi Văn Dân là ông chủ tư nhân đầu tiên ở Yên Bái đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào thuỷ điện với 4 dự án ở Nậm Tăng, Nậm Tục (Văn Chấn), Hưng Khánh (Trấn Yên), Nà Hẩu (Văn Yên).
Sinh năm 1970, tuổi Tuất, đứng chữ Canh, Bùi Văn Dân đã nếm trải đủ vị cay đắng ở đời. Đã từng lăn lộn tìm vàng, đã từng nhịn đói, làm thuê và nhiều phen thấm thía cái khổ và hèn của một anh không tiền giữa cuộc đời nhiều mặt. Ngày cuối năm, phút thảnh thơi hiếm có, ngồi nhâm nhi ly cafe mà nói về cạnh tranh trên thương trường, Bùi Văn Dân bảo, anh đã suy nghĩ về con đường ra “biển lớn”. Có mấy việc mà anh tập trung làm cho được, tất nhiên không phải ngày một ngày hai. Đó là, xây dựng thương hiệu, tiến tới hình thành một tập đoàn kinh tế, tham gia thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn và quảng bá thương hiệu. Tôi nhẩm tính, trong khoảng hai năm tới, khi những dự án thủy điện của Thanh Bình đều đi vào hoạt động, rồi nhà máy chế biến gỗ Quy Mông rình rình chạy ngay trong quý I/2007 thì doanh thu của Thanh Bình đã là trên 300 tỷ. Một con số đáng nể! Với ông chủ của Thanh Bình, tất cả đều đang ở trong tầm tay...
Tuấn Anh