Người nông dân giầu nhất Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong số hàng vạn nông dân đang cấy cầy trên quê hương Yên Bái có rất nhiều người với khả năng tổ chức sản xuất tốt, cộng với sự cần cù lao động đã trở thành điển hình tiên tiến với khối lượng tài sản cả tỷ đồng. Một trong số đó là anh Triệu Quốc Đinh ở xã Tân hợp huyện Văn Yên – gia đình anh là một trong những gia đình nông dân giầu có nhất Yên Bái.

Đàn lợn lai F1 từ lợn rừng và lợn cái đen địa phương của anh Triệu Quốc Đinh.
Đàn lợn lai F1 từ lợn rừng và lợn cái đen địa phương của anh Triệu Quốc Đinh.

Những con số biết nói

 

Bỏ qua những tiện nghi sinh hoạt, toàn đồ xịn như giường tủ, bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, giàn âm thanh, máy điều hòa nhiệt độ, xe mô tô; bắt đầu từ chuyện nhà: Gia đình anh Triệu Quốc Đinh có một ngôi nhà - nói cho đúng là một tòa nhà lớn tại xã Tân Hợp. Khi các con khôn lớn, đi học ở trường huyện, anh chị cất thêm một tòa nhà khác tại thị trấn Mậu A. Không dừng ở đó, từ mấy năm trước anh chị  Đinh đã rút tiết kiệm mua một thửa đất ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) sau đó, đổi sang ngang một ngôi nhà lớn 3 tầng ở gần đó. Với ba ngôi nhà lớn, khối tài sản cố định của anh chị đã có vài tỷ đồng. Đã từ nhiều năm nay gia đình anh chị Đinh có thu nhập bình quân mỗi năm 200 triệu đồng. Xin được nói thêm đó là số thu ổn định, thường xuyên trong kế hoạch, ngoài ra khi có việc đột xuất  anh chị bán đi nương quế, đồi keo thu một khoản lớn để chi dùng, như việc tới đây dự định mua một chiếc xe hơi đời mới, hiện đại, giá trị khoảng năm bảy trăm triệu thì không tính. Theo anh Triệu Quốc Đinh, rừng đồi gia đình có nhiều, riêng quế (loại 10 đến 15 năm tuổi, đường kính thân cây từ 20 cm trở lên) có 15 ha; năm 2005 giá quế tụt thê thảm mà một nhà buôn ở Bắc Ninh trả giá 2,8 tỷ đồng; thời điểm này giá quế đã tăng gần 2 lần so với năm 2005.

 

Bên cạnh đó là thân lõi quế, trước đây chỉ làm củi hoặc để mục trên rừng thì nay lại rất được giá. Bình quân mỗi năm gia đình anh Đinh bóc tỉa quế thu được từ 90 đến 110 triệu đồng. Cùng với cây quế anh còn có thêm 2 khu rừng keo loại 5 năm tuổi với tổng diện tích 33 ha. Do trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây mọc đều tăm tắp, cây nào cũng to bằng cái phích đựng nước; hồi tháng 6, chủ một xưởng chế biến gỗ đã trả giá 500 triệu đồng. Quế và keo nhà anh Đinh chắc chắn còn nhiều hơn và tiếp tục tăng thêm vì năm nào cũng được trồng thêm. Bên cạnh rừng quế, rừng keo, khu vực quanh nhà anh tỷ phú người Dao này là thửa đất 8 ha, gần nhà thì trồng cây ăn quả, đào ao rộng 1 ha mỗi năm thu từ 7 tạ đến trên một tấn cá; khu đất phía trên trước đây trồng bồ đề, nay đã được thay bằng 1500 cây trám ghép (một cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao), hiện đã bắt đầu cho quả và để lại rừng tự nhiên, tái sinh và khe lạch để thuận lợi cho việc nuôi lợn rừng, một nghề mới rất độc đáo của gia đình mỗi năm cũng cho thu bốn năm chục triệu đồng.

 

Người cựu chiến binh chăm chỉm và giỏi tính toán

 

Năm 1978, từ chiến trường trở về với những vết thương trên người, (hưởng chế độ bệnh binh mất 41% sức khỏe), anh Triệu Quốc Đinh xây dựng gia đình với cô gái bản Từ Thị Loan. Không giống như những đôi vợ chồng khác làm nhà riêng gần với cha mẹ, họ hàng để nhờ cậy, anh chị quyết định chuyển ra Khe Hỏa - vùng đất hoang vu, vắng người để lập nghiệp. Cuộc mưu sinh trong gian khó bắt đầu bằng việc lấy gỗ dựng nhà, vỡ đất trồng lúa ngô, khoai sắn để ăn và chăn nuôi lợn gà, trâu bò.

 

Xác định không có cây trồng nào đem lại hiệu quả kinh tế trên đất đồi Văn Yên bằng cây quế, năm 1986 anh chị Đinh - Loan bắt đầu trồng quế, lúc đầu trồng ít một, cho đến năm 1988 bắt đầu trồng đại trà. Sự khác biệt với dân làng trong việc trồng quế là đầu năm 1988 anh Đinh đã bỏ ra 12 triệu đồng (tương đương với 10 cây vàng lúc bấy giờ) để mua một cây quế to, chất lượng tốt rồi gửi lại nhà chủ để hàng năm lấy hạt làm giống. Năm 1996 anh chị đổi một chiếc xe Honda Dream trị giá 24 triệu đồng lấy 4 cây quế giống nữa. Theo anh, giống quế địa phương chất lượng hơn, ít sâu bệnh hơn và chắc chắn được giá hơn. Quả đúng như vậy, nhiều gia đình vì phong trào, vì tham rẻ mà mua hạt quế giống Trà My, Thanh Hóa, Trung Quốc về trồng. Giống mới, quế lớn nhanh nhưng tỷ lệ dầu rất thấp, dễ mắc bệnh và giá thì rất rẻ mạt. Từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến to và lấy ngắn nuôi dài là cách làm của anh chị.

 

Nói đến trang trại nhà anh chị Đinh - Loan không thể không kể tới đàn lợn rừng. Năm 2001 mua được con lợn đực rừng còn sống, anh không mổ thịt mà giữ lại chăm sóc, nuôi dưỡng. Rồi chú lợn cũng chịu ăn và khỏe mạnh, anh Đinh nghĩ ngay đến việc lai tạo giống, phát triển chăn nuôi lợn rừng. Sẵn có giống, vốn, anh đầu tư 100 triệu đồng mua lưới thép B40 về rào kín cả 8 ha đất rừng rồi thả lợn đực rừng và lợn cái đen địa phương vào. Và thành quả đã đến, cuối năm đó lợn mẹ sinh được đàn lợn con F1, trong đó có nhiều con cái mang sọc ngang thân, có lông dài và cứng như lợn rừng.  Anh tiếp tục tuyển chọn những con nái tốt, thải loại giống địa phương để có được giống lợn thuần chủng hơn. Đến nay, anh đã có đàn nái 8 con và con lợn đực rừng đã nặng khoảng 80 kg. Cho dù giống lợn rừng không ăn cám, sinh trưởng chậm và đẻ không sai con, nhưng với 8 lợn mẹ năm 2005 anh chị Đinh - Loan cũng bán được 52 lợn con và thu được 52 triệu đồng, năm 2006 vừa qua bán được 42 con thu về gần 50 triệu.

 

Tài sản lớn nhất là “của để dành”

 

Nếu như khối tài sản cả tỷ đồng của gia đình anh Triệu Quốc Đinh và chị Từ Thị Loan khiến nhiều người thán phục thì mọi người sẽ còn cảm phục hơn  khi biết “của để dành” là những đứa con chăm ngoan của anh chị. Chị Loan tâm sự: “Người đồng bào (ý nói người dân tộc thiểu số), lại ở vùng sâu vùng xa nên đông con, cả thảy 5 đứa, bốn trai, một gái. Quan điểm của chúng tôi là đẻ con ra, nuôi chúng lớn và cho chúng đi học để lấy kiến thức. Đấy, anh nhà tôi thời ấy mà học hết lớp 10 là hiếm lắm nhưng vì chiến tranh nên lỡ chuyện học hành, rời áo lính, làm anh cán bộ xã đến tận bây giờ, các con là phải hơn bố mẹ”.

 

Có lẽ hưởng cái gien thông minh, hưởng sự giáo dục, nuôi dưỡng tốt nên đàn con nhà anh chị Đinh - Loan đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Cả 5 đứa cùng đua nhau vào đại học, đứa Học viện Quân sự, đứa Học viện Biên phòng, cô con gái cưng theo ngành sư phạm ngoại ngữ, hiện đã có 3 đứa tốt nghiệp đi làm.

 

Và như vậy gia đình anh chị không chỉ là điển hình làm giầu mà còn là điển hình nuôi dạy con nên người của huyện Văn Yên. Đó cũng là người nông dân giầu nhất Yên Bái không những có thu nhập lớn, khối tài sản lớn mà các con đều có kiến thức nhiều.

 

Lê Đạt