“Tôi muốn khai thác tiềm năng thiên nhiên làm giàu cho quê mình”

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Tôi muốn khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để làm giàu cho gia đình, cho bản làm và mong ước cao hơn là làm đẹp diện mạo quê hương”. Đó là lời bộc bạch chân thành của anh Lò Văn Chồm, chủ nhân khu tắm nóng bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Một góc khu tắm nóng của gia đình anh Chồm.
Một góc khu tắm nóng của gia đình anh Chồm.

Cũng như nhiều người dân bản địa, sinh ra đã được tắm suối khoáng nóng, anh Chồm rất lấy làm tự hào về những đặc ân mà thiên nhiên đã tặng riêng vùng đất quê mình. Nhận thấy kiểu “tắm tiên” lâu nay của đồng bào chưa đáp ứng được nhu cầu thăm thú, nghỉ dưỡng của khách du lịch và nhân dân qua lại địa phương, năm 2004, anh huy động vốn liếng từ anh em, bạn bè và chấp nhận đi vay ngoài với mức lãi suất cao để đầu tư xây dựng khu tắm nóng với 19 phòng ban đầu. Anh Chồm cho hay, “cái khó về đồng vốn không lo bằng việc làm như thế nào để phát triển và thu hut khách đến với mình”.

Thực tế, kể từ khi điểm tắm nóng của gia đình anh Chồm được mở ra thì lượng khách du lịch đến với bản Hốc ngày một nhiều. Mùa đông và mùa xuân là thời điểm mà khách đến tham quan và tắm nóng rất đông. Trung bình một ngày có khoảng trên dưới 100 khách tắm. Riêng 3 tháng đông thu hút khoảng 5.000 đến 6.000 lượt khách mỗi tháng. Chị Hà Thị Biên, vợ anh Chồm cho biết, vì phần nhiều khách đến với khu tắm nóng của gia đình là khách bình dân nên giá vé chỉ thu với mức 5.000 đồng đối với một khách tắm. Mục đích của gia đình bên cạnh việc kinh để thu lợi nhuận, còn mong tận dụng nguồn tài nguyên “trời cho” để phục vụ bạn bè, người thân và bà con trong vùng. Được biết, năm 2006 doanh thu của gia đình anh đã tăng gần gấp 3 lần so với những năm đầu hoạt động.

Là người đầu tiên ở đất Văn Chấn (Yên Bái) tiên phong đầu tư vào lĩnh vực tắm suối khoáng nóng, anh chịu không ít thất bại. Trận lũ quét năm 2005 tràn vào Sơn Thịnh, phá hỏng một số công trình của khu tắm nóng, gia đình anh phải khắc phục mất gần 30 triệu đồng. Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước, cuối năm 2005, anh đầu tư trên 50 triệu đồng xây dựng thêm 9 phòng tắm nóng dành riêng cho khách du lịch hạng sang. Theo anh, ngoài nhu cầu tắm nóng, thì phần lớn khách ngoại tỉnh, nhất là khách du lịch nước ngoài còn có nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực của người Thái đen và tìm hiểu các giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc.
Trên cơ sở những tiền năng sẵn có của địa phương, bản Hốc và xã Sơn Thịnh đã triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch văn hoá cộng đồng, trong đó nghề dệt thổ cẩm, thú ẩm thực của người dân bản địa cùng các sinh hoạt và giá trị văn hoá của người Thái đen đã và đang được địa phương có kế hoạch khôi phục và gìn giữ.

Về phần mình, anh Chồm dự định tới đây sẽ đầu tư xây dựng mở rộng quy mô khu tắm nóng, đầu tư phát triển các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cho khách ngoại tỉnh và khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên theo anh, để làm được điều này, ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi về lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc. Đó cũng là cách làm tốt giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

Minh Anh