Chủ trang trại trẻ Văn Yên "khát" vốn

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bí thư Huyện đoàn Văn Yên Nguyễn Minh Cường cho biết: một thanh niên muốn phát triển mô hình kinh tế trang trại cần tối thiểu 20 triệu đồng vốn.

Nhiều trang trại ở Văn Yên thiếu vốn.
Nhiều trang trại ở Văn Yên thiếu vốn.

Một xã ở Văn Yên với số thanh niên làm kinh tế trang trại ở mức trung bình như Đại Phác cũng có tới 20 người. Cứ cho rằng, không phải tất cả các chủ trang trại trẻ đều có nhu cầu vay vốn nhưng mức vốn vay tối thiểu cho thanh niên một xã chí ít cũng phải từ 150 triệu đồng trở lên. Ước tính, nhu cầu thực tế của những thanh niên đang cần vốn đầu tư phát triển kinh tế trong số 140 chủ trang trại trẻ trên toàn huyện hiện nay tối thiểu cũng phải là 1 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, nguồn vốn này so với nhu cầu chỉ là một con số rất khiêm tốn và vẫn là điều trăn trở bấy lâu của những người làm công tác Đoàn ở Văn Yên.

Hầu hết thanh niên ở Văn Yên vay vốn để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Nguồn vốn 120 mà thanh niên Văn Yên có được chỉ vẻn vẹn 80 triệu đồng. Giai đoạn 2003 - 2006, số tiền này được dành cho thị trấn Mậu A và xã Yên Phú, còn ba năm tới có 2 xã được thẩm định cho vay là An Thịnh và Đại Phác. Nhưng số xã có nhu cầu vay vốn hiện nay không phải là 2 mà lên đến con số 10 trên tổng số 27 xã, thị trấn của huyện. Mỗi đợt luân chuyển vốn và cân nhắc nguồn vốn cho các xã vẫn là điều không dễ dàng gì đối với cán bộ Huyện đoàn Văn Yên. Hơn nữa, mỗi thanh niên cũng chỉ được vay tối đa 7 triệu đồng - nghĩa là chỉ bằng 1/3 số vốn tối thiểu mà một chủ trang trại trẻ cần có. Ngoài cây quế truyền thống, hiện nay nhiều thanh niên đang tập trung trồng cây keo lai và bồ đề. Với loại cây này, chí ít cũng phải 7 năm mới cho thu hoạch. Trong khi đó, thời hạn vay vốn 120 là 3 năm - chỉ gần bằng phân nửa số thời gian mà rất nhiều người vay vốn cần có. Ngân hàng Chính sách xã hội thì cho rằng, nguồn vốn này không phải để cho người vay trồng mới rừng, nhưng trên thực tế rất nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn để mở rộng diện tích rừng trồng.

Một nguồn vốn khác mà thanh niên có thể có được là vốn Vì người nghèo cũng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này cho vay theo nhóm hộ. Theo qui định, cứ 3 hộ của một xã thuộc diện nghèo thì được cùng nhau vay từ 20 triệu đồng trở lại. Hiềm nỗi, trên thực tế, thường những ai thuộc diện nghèo thì Ngân hàng lại thực sự "ngại" cho vay. Không những thế, theo qui định, người vay phải là chủ hộ gia đình, Trong khi không ít thanh niên chưa lập gia đình riêng, chưa tách hộ, không thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp. Hoặc nhiều thanh niên khi có ý định thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để có một chút vốn vay, nhưng thường những hộ đã được xét vào diện nghèo thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cha mẹ họ dùng cho nguồn vay trước đó. Theo Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Minh Cường thì, năm 2006 mới là năm đầu tiên thanh niên huyện Văn Yên được vay từ nguồn vốn này, với tổng số vốn được vay là 193 triệu đồng và được triển khai tại hai xã An Bình và Yên Phú, cũng với thời hạn ba năm. Đây được coi là đợt triển khai điểm của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho thanh niên vay từ vốn Vì người nghèo. Mức độ hoàn vốn từ đợt triển khai đầu tiên này sẽ là cơ sở cho việc vay vốn thời gian tiếp đó.

Năm 2006, khi đưa ra đề xuất vay 500 triệu đồng dành cho 8 xã từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Minh Cường đặt niềm tin vào sự làm ăn và sự hoàn vốn của những người trẻ tuổi. Nhưng một mình niềm tin của anh thôi thì chưa đủ để những đề xuất như trên được chấp nhận và triển khai. Một trong những tiêu chí quan trọng cũng như cơ sở tin tưởng cho chủ vốn là sự hoạt động vững mạnh của cơ sở Đoàn xã. Vì vậy, cách thức hữu hiệu và lâu dài trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vay vốn trong đoàn viên thanh niên vẫn là phát huy nội lực, phát triển mạnh cơ sở Đoàn xã. Được vay vốn khởi nghiệp, tạo điều kiện làm kinh tế cũng là cách giữ chân nhiều thanh niên ở lại quê nhà, góp phần xây dựng quê hương.

Thu Hạnh