Có còn là chuyện nhỏ

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chuyện này liên quan đến một vấn đề đã có một thời gian được coi là không nhỏ. Nó đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân thành phố Yên Bái và các địa phương khác trong tỉnh. Đó là vấn đề khơi thông dòng chảy. Chuyện lớn thật! Nhưng lại bắt đầu từ ý thức và những hành vi rất nhỏ trong sinh hoạt của mỗi người dân - chuyện xả rác.

Việc khơi thông dòng chảy đã được triển khai tốn không ít tiền của, đã trở thành cuộc vận động lớn ở nhiều khu dân cư! Việc ném, xả rác cũng đã được người dân nêu cao ý thức để giữ gìn dòng chảy thông thoáng. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, những phế thải sinh hoạt của người dân được giải quyết theo phương thức cũ lại đang tái diễn ở đó đây. Bất kỳ dòng chảy nào, dù lớn hay nhỏ cũng có thể trở thành cái "hố rác" công cộng nếu nó tiện lối qua lại. Lúc đầu chưa có ai vứt rác thì họ "kín đáo" đưa rác xuống đó vào những thời điểm thích hợp. Khi có người "vượt rào" thì họ chẳng e ngại gì nữa. Và hai, ba, bốn nhà thậm chí cả khu dân cư cùng nhau coi đó là cái hố rác đương nhiên. Người ta có thể đưa xuống đấy bất kỳ thứ gì. Rác đổ, rác đóng gói nilon ném xuống giữa dòng, thả bên vệ suối trở thành những bờ be dòng chảy. Chẳng biết mùa mưa đến, việc tiêu thoát nước có được như những năm trước không?

Ở khu vực nơi anh bạn tôi cư trú cũng có dòng suối chảy qua. Mọi người sống ở đây đã từng thống nhất tập kết rác ở một địa điểm. Tất cả đều thống nhất nộp phí vệ sinh như các hộ dân ngoài đường phố. Rồi cứ 2 ngày công nhân vệ sinh môi trường đến thu dọn. Nhưng chẳng hiểu do đoạn đường vào nơi tập kết rác xa, đường dốc hay lượng rác ít quá mà công nhân vệ sinh môi trường không đến để gom rác nữa? Chẳng một lý do hoặc lời khước từ nào cả? Có người chịu khó xách túi rác ra đường lớn thì được công nhân thu rác hỏi cặn kẽ, nhà ở đâu, đã nộp phí vệ sinh chưa. Vậy là thôi! Một, hai, ba rồi cả khu cùng nhau mang rác ra suối. Không thả ra đó thì biết đổ đi đâu? Trong khi quỹ đất quy hoạch thành khu dân cư đã kín, một chỗ đổ rác tập trung cũng rất hiếm hoi. Nhưng khi có thì việc tập kết, thu gom, xử lý thế nào cũng cần thống nhất giữa mọi gia đình trong khu dân cư với cơ quan vệ sinh công cộng. Nếu cứ dễ thì làm, khó thì bỏ thì những chuyện nhỏ như giải quyết rác sinh hoạt của mỗi gia đình cũng có thể trở thành chuyện lớn. Và chúng ta cũng đã có không ít những bài học từ hậu quả của việc khai thông dòng chảy ở đô thị khi mùa mưa lũ về.              

 Lý Quang