Yên Bái thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2023 | 7:46:22 AM

YênBái - Thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) trên địa bàn Yên Bái ngày càng trở nên phổ biến. Đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đã đạt 53,8%.

Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức gian hàng chuyển đổi số trưng bày, tư vấn giới thiệu các sản phẩm dịch vụ đến người dân.
Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức gian hàng chuyển đổi số trưng bày, tư vấn giới thiệu các sản phẩm dịch vụ đến người dân.


Thanh toán KDTM là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, Internet banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ truyền thống. 

Để thúc đẩy loại hình thanh toán này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần trên địa bàn tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của địa phương và của ngành; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng nhưng an toàn, bảo mật. 

Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán KDTM, các ngân hàng đã đầu tư 57 máy ATM và lắp đặt 300 máy POS tại các cửa hàng kinh doanh, trung tâm mua sắm và các điểm bán lẻ. Ngoài phương thức thanh toán qua thẻ, các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian cũng đã triển khai phương thức thanh toán thông qua các app ứng dụng trên điện thoại thông minh như: Internet Banking, Mobile Banking và phát triển dịch vụ Mobile Money qua các trung gian thanh toán VNPT pay, Viettel pay, ZaloPay, ví MoMo… 


Bên cạnh phát triển hạ tầng công nghệ các ngân hàng thương mại tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; tuyên truyền khách hàng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giao dịch điện tử; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính. 

Cùng đó, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức Ngày hội KDTM; triển khai tuyên truyền, thí điểm về thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng; thúc đẩy các hình thức thanh toán KDTM đối với các dịch vụ hành chính công có thu phí, lệ phí. 

Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, hoạt động thanh toán KDTM những tháng đầu năm tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh. 

Hiện, tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 53,8%. Trong quý I/2023, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 9,78% khối lượng, tăng 30,55% giá trị; qua phương tiện Internet tăng 25,33% về số lượt và 18,22% giá trị; qua phương thức POS, QRCode tăng 23,65% về khối lượng, tăng 21,38% giá trị. 

Cùng đó, các dịch vụ thương mại, thanh toán KDTM ở lĩnh vực dịch vụ công của tỉnh cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, Yên Bái cũng là tỉnh đi đầu khu vực miền núi phía Bắc trong cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí ở các trung tâm hành chính công và chi trả các chương trình an sinh xã hội… 

Tính riêng trong quý I/2023, thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội tăng 32,18% lượt giao dịch, 13,26% giá trị giao dịch. 


Phát huy kết quả này, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán KDTM; tăng cường kết nối liên thông giữa các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ; phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Văn Thông