Điểm tựa thoát nghèo của hội viên nông dân Hán Đà

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2023 | 10:54:12 AM

YênBái - Năm 2022, Hán Đà có 290 hộ là hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực: trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng rừng, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng...; trong đó, hàng chục hộ có sự hỗ trợ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Hội Nông dân.

Ông Nguyễn Văn Mậu - hội viên Chi hội Nông dân thôn Hán Đà 2 (bên trái) giới thiệu mô hình trồng cây ăn quả của gia đình với các hội viên.
Ông Nguyễn Văn Mậu - hội viên Chi hội Nông dân thôn Hán Đà 2 (bên trái) giới thiệu mô hình trồng cây ăn quả của gia đình với các hội viên.

Trước đây, gia đình anh Vũ Xuân Viên, hội viên Chi hội Nông dân thôn An Lạc, xã Hán Đà, huyện Yên Bình là hộ nghèo; trong khi đó, có sức lao động, song thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật (KHKT). 

Năm 2018, anh Viên được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ đồng vốn vay, anh  đăng ký mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Hiện anh đã có hơn 10 lồng cá, chủ yếu là cá trắm đen, cho thu nhập mỗi năm 50 - 80 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Hồng, hội viên Chi hội Nông dân thôn Phúc Hòa cũng là hộ nghèo nhiều năm song do thiếu vốn, hơn 2 ha đất rừng chỉ trồng ngô, sắn, không tập trung chuyên canh nên hiệu quả kinh tế thấp. 

Năm 2015, anh Hồng được vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua ủy thác của Hội Nông dân (HND) xã, thời hạn vay 5 năm. Với số vốn vay, anh mua cây giống trồng rừng và khi rừng chưa khép tán, anh trồng xen ngô, sắn lấy thức ăn chăn nuôi để có tiền trả lãi vay. 

Nhờ chăm chỉ làm ăn quay vòng đồng vốn, 5 năm sau anh Hồng khai thác rừng và thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài trả số tiền vay, anh còn có tiền tiếp tục mua cây giống trồng rừng, chuyển vườn tạp sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi hơn 500 con gà và hơn 10 con lợn để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, từ hộ nghèo, anh Hồng đã trở thành hộ khá.

 Anh Hồng cho biết: "Nhờ đồng vốn vay, được tham gia lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT ngắn hạn tại xã và được HND xã cho đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở những xã lân cận, tôi đã định hình được cách thức phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống khá dần lên”. 

Đó chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình vươn lên thoát nghèo của hội viên nông dân thông qua các nguồn vốn vay ủy thác của tổ chức HND. 

HND xã Hán Đà hiện có 676 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội. Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hàng năm, Ban Chấp hành HND xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến từng chi hội, hội viên. 

Bà Đinh Thị Thu Huyền - Chủ tịch HND xã cho biết: hàng năm, Ban Chấp hành Hội chỉ đạo các chi hội khảo sát, phân loại, đánh giá cụ thể đời sống từng hội viên để có kế hoạch, phương án giúp đỡ cụ thể về kiến thức khao học kỹ thuật (KHKT) và ưu tiên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách các chi hội thường xuyên sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đồng thời, Ban Chấp hành Hội phát động và nhân rộng phong trào hội viên khá, giàu giúp đỡ hội viên nghèo bằng cây, con giống và phấn đấu mỗi năm giúp đỡ được từ 2 - 3 hội viên thoát nghèo bằng các hình thức. 

Cùng đó, căn cứ trên các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch, hàng năm, HND xã đều phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của huyện tổ chức 4 - 5 lớp tập huấn ngắn hạn, mỗi lớp thu hút 250 hội viên tham gia. Hội nhận ủy thác nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ gần 6 tỷ đồng cho 123 lượt hộ được vay vốn. 

Bên cạnh đó, cả 8 chi hội cùng xây dựng quỹ hội với số tiền trên 97 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ hội viên có thêm đồng vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ đồng vốn vay và được tập huấn kiến thức KHKT, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. 

Đến nay, tỷ lệ hội viên có mức sống khá, giàu chiếm trên 50%. Năm 2022 có 290 hộ là hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực: trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng rừng, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... 

Tiêu biểu như mô hình VARC của hội viên Bùi Mạnh Cường ở Chi hội thôn Hán Đà 2 cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; mô hình chế biến gỗ rừng trồng của hội viên Nguyễn Văn Đạt, Chi hội thôn Phúc Hòa cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Nguyễn Văn Mậu, Chi hội thôn Hán Đà 2 cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, HND xã tiếp tục chỉ đạo các chi hội xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng; phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp để gắn kết, giúp đỡ nhau vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững...

Thanh Tân