Dấu ấn nhiệm kỳ

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/5/2023 | 7:42:31 AM

YênBái - Trong những năm qua, thành phố Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án chuyên đề về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó, tạo động lực giúp nông dân tích cực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đưa thành phố sớm trở thành đô thị loại II “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố trao đổi với các hộ nông dân xã Tân Thịnh về sản phẩm OCOP tinh bột nghệ.
Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố trao đổi với các hộ nông dân xã Tân Thịnh về sản phẩm OCOP tinh bột nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Thiêm - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Thành phố hiện có 15 cơ sở hội, 98 chi hội với 5.785 hội viên nông dân. Trong những năm qua, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố; khích lệ, động viên nông dân chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh

Hàng năm đã có 3.400 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, đã có 1.850 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng lên, xuất hiện nhiều hộ đầu tư sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, tổng hợp... Nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. 

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động giúp đỡ 38 hộ hội viên, nông dân nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo về vốn, kỹ thuật với hình thức cho vay lãi suất thấp, giúp đỡ ngày công lao động và cây con giống các loại. 

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kiểm tra việc thực hiện công tác Hội, triển khai các phong trào thi đua và hoạt động ủy thác qua việc vay vốn của các ngân hàng. 

Đến nay, Hội Nông dân thành phố đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.344 hộ vay với số dư nợ trên 57 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đang quản lý là 1,5 tỷ đồng cho 65 hộ hội viên vay vốn để thực hiện 14 mô hình dự án. Hội chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp, UBND các xã, phường tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 300 lao động nông thôn, giới thiệu việc làm cho trên 290 lao động. 

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp là "chìa khóa" để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân thành phố tích cực phối hợp đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Tăng cường công tác thông tin và xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, hình thành những vùng kinh tế năng suất, chất lượng cao, giúp hội viên vươn lên làm giàu. 

Hội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xây dựng và phát triển thành công vùng trồng rau an toàn tại xã Văn Phú, Tuy Lộc và Âu Lâu; vùng trồng chè Bát Tiên tại xã Minh Bảo, xã Âu Lâu; phát triển nuôi cá nước ngọt tại các xã Văn Phú, xã Âu Lâu, phường Nam Cường; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại các phường: Nam Cường, Hợp Minh, Yên Thịnh và xã Tân Thịnh; vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tại các xã Tân Thịnh, Minh Bảo, Âu Lâu, Văn Phú…; phát triển làng nghề miến dong tại xã Giới Phiên; nuôi ba ba thương thẩm tại phường Yên Ninh; ốc nhồi thương phẩm, chanh tứ thời tại xã Văn Phú; trồng cây ăn quả như ổi, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng... tại xã Minh Bảo, Văn Phú, Âu Lâu... đã đem lại lợi ích thiết thực, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng những vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, có năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. 

Các cấp Hội còn phối hợp khảo sát và xây dựng 7 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm, 7 sản phẩm OCOP, trong đó: Hội trực tiếp khảo sát và xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP; chỉ đạo xây dựng, thành lập mới 134 tổ hợp tác, chủ trì hướng dẫn thành lập được 4 hợp tác xã; phối hợp thành lập 10 hợp tác xã; thu hút 7 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 


Sản phẩm miến đao tạo được thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông dân và xã viên làng nghề miến đao Giới Phiên. 

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên hiến trên 5.000 m2 đất, đóng góp 12.318 ngày công lao động, trên 7,9 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa 31,8 km đường giao thông nông thôn, 98 cầu cống, 153 km kênh mương nội đồng và các công trình hạ tầng nông thôn. 

Hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thực hiện tiêu chí về môi trường, thu gom rác thải, đảm bảo xanh, sạch, đẹp tại 15/15 xã, phường; xây dựng mới 41 tuyến đường tự quản, 32 tuyến đường "Thắp sáng đường quê", 5 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... 

Qua đó, góp phần nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đáp ứng tốt hơn mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mức hưởng thụ và sự hài lòng của người dân. Đến nay, 6/6 xã trên địa bàn thành phố đạt xã nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Hướng về cơ sở, giúp nông dân làm giàu chính đáng là nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân thành phố đặt ra nhằm phấn đấu hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Theo đó, Hội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân. 

Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong nông dân, đẩy mạnh công tác tư vấn, liên kết giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất lên kết theo chuỗi giá trị, giúp nông dân tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất; phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 200 hội viên mới trở lên, đến năm 2028 tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 85%. 

Hàng năm, có từ 70% số hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 60% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí của Trung ương Hội; 60% tổ chức cơ sở hội xây dựng được mô hình kinh tế tập thể, chi hội, tổ hội nghề nghiệp liên kết trong sản xuất kinh doanh; 100% cơ sở hội phối hợp tổ chức và thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ cho hội viên, nông dân. 

Để thực hiện mục tiêu này, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến nhận thức hội viên, nông dân về sản xuất phải gắn với thị trường, thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. 

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. 

Chủ động, tích cực phối hợp các cấp, các ngành có cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề và dịch vụ, hỗ trợ nông dân; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, gắn với mô hình thực tế theo nhu cầu của hội viên, nông dân. 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển các thành phần kinh tế tập thể. Đồng thời, vận động hội viên tích cực tham gia liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đầu ra cho nông sản, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của các xã trên địa bàn. 

Thu Trang - Mạnh Cường