Mù Cang Chải giảm nghèo qua “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/6/2023 | 4:07:47 PM

YênBái - Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, được Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá rất cao, đặc biệt là kết quả giảm nghèo sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện. Dịp này, Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Việt Yên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải về vấn đề này.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trao sổ đỏ và tặng nhà cho hộ nghèo ở xã La Pán Tẩn
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trao sổ đỏ và tặng nhà cho hộ nghèo ở xã La Pán Tẩn

P.V: Được biết, từ 2020 đến nay, bình quân mỗi năm toàn huyện tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 8,44% , bằng 120,62% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Vậy, xin đồng chí cho biết huyện đã làm thế nào để đạt được kết quả này ? 

Đồng chí Nông Việt Yên: Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 91% dân số, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm toàn huyện tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 8,44%, cuộc sống của người dân không ngừng khởi sắc. 

Có được kết quả trên, trước tiên đó là huyện đã đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo, lấy sự phát triển của người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động để khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng...

Các chính sách giảm nghèo được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở… tạo điều kiện và là động lực để hộ nghèo cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. 

Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển vùng dược liệu, Đề án phát triển cây ăn quả huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch; Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành một số chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025…

P.V: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Mù Cang Chải đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt hàng năm, Huyện ủy đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Nông Việt Yên: Hằng năm, thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm, Huyện ủy đều ban hành kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở với phương châm đảm bảo "4 rõ" ( rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian thực hiện) với quan điểm "không để sót người, sót việc”; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách đến tận bản, tổ dân phố để nắm tình hình và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.

Cùng đó, hàng năm, Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo trên địa bàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong triển khai thực hiện; quy định cụ thể các chỉ tiêu theo dõi, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo đối với cấp huyện, cấp cơ sở; chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả. 

Việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo được thực hiện đầy đủ và kịp thời và lồng ghép huy động các nguồn lực khác để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo đúng, đủ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan theo từng nội dung của chương trình.


Phân công các tổ công tác trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo đến tận bản, tổ dân phố và từng hộ nghèo tại các xã, thị trấn kết hợp với thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân”. Tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, hỗ trợ người dân thoát nghèo. 

Huyện cũng đồng thời, rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng xã, thị trấn, từng bản, nhất là với các bản phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nguồn lực từ cộng đồng cho công tác giảm nghèo.

P.V:  Mù Cang Chải đang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo; trước mắt, giai đoạn 2023 - 2025 giảm hộ nghèo bình quân từ 7,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2025 hộ nghèo còn dưới 25%. Vậy, huyện đã có các giải pháp gì để đạt mục tiêu trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Nông Việt Yên: Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Rà soát, xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của các hộ nghèo; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn huyện, từng xã, thị trấn, từng bản để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp, thiết thực, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ các mô hình sinh kế… nhằm cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban ngành huyện phụ trách xã, các xã, thị trấn hỗ trợ theo các nhóm nguyên nhân nghèo của các hộ dự kiến thoát nghèo hằng năm để hỗ trợ hiệu quả.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, các chính sách trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, đường điện, trường học, trạm y tế,.. từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hạn chế chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gắn các hoạt động cho vay với hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi với già làng, người có uy tín trong cộng đồng về công tác giảm nghèo của huyện.  

Cùng với đó, huyện sẽ không ngừng xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, dự án tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp với từng xã, thị trấn; các mô hình tổ hợp tác hoặc tổ tự quản giảm nghèo; tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, du lịch, dược liệu, thương mại, dịch vụ trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người dân.

Xây dựng kế hoạch thống kê, rà soát nguồn lao động, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn để các cơ sở dạy nghề trong, ngoài huyện tổ chức đào tạo nghề và tư vấn, tuyên truyền, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động vào làm việc hoặc xuất khẩu lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch của huyện.

Triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 632/QĐ-UBND, ngày 27/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền cơ sở trong việc hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết hợp giữa nguồn lực ngân sách Nhà nước hỗ trợ với các nguồn lực vận động hợp pháp khác, kết hợp với hỗ trợ của cộng đồng dân cư để làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; ưu tiên tập trung hỗ trợ các xã, bản nằm trong kế hoạch xây dựng xã, bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Huyện cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh được phân công phụ trách, giúp đỡ các xã trên địa bàn, trực tiếp xuống các hộ dân để nắm bắt tình hình, điều kiện kinh tế của từng hộ để đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Văn Tuấn (thực hiện)