Nhà khoa học Việt nhận giải thưởng quốc tế về cỏ Vetiver

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2023 | 8:46:50 AM

TS Ngô Thị Thúy Hường cùng cộng sự tại Trường Đại học Phenikaa vừa được trao giải King of Thailand Awards (Nhà vua Thái Lan) cho công trình công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ Vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm.

TS Ngô Thị Thúy Hường nhận giải thưởng.
TS Ngô Thị Thúy Hường nhận giải thưởng.

Nhóm nghiên cứu của TS Hường đoạt giải nghiên cứu xuất sắc ở hạng mục ứng dụng phi nông nghiệp, với công trình "Sử dụng công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ Vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm tại Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam”.

Cỏ Vetiver vốn được biết có chức năng chống xói mòn, bảo tồn nguồn đất và nước, giảm thiểu ô nhiễm. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu chỉ ra loại cỏ Vetiver được sử dụng để xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng thực vật, qua đó mở ra cơ hội ứng dụng làm sạch các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) trong đất và nước. TS Hường hiện là giảng viên, trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại Trường Đại học Phenikaa. Năm 2014, nhóm nghiên cứu của TS Hường bắt đầu nghiên cứu khả năng giảm nhẹ chất dioxin từ cỏ Vetiver.

Cỏ Vetiver được giới khoa học xem như cỏ "thần kỳ” có thể thích nghi với đất có độ chua, độ mặn, độ phèn cao. Cỏ có bộ rễ lớn nhưng các sợi rễ lại rất nhỏ và mịn (đường kính trung bình chỉ khoảng 0,5-1,0mm) rất thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm, là điều kiện cần thiết để hấp thụ và phân hủy các chất gây ô nhiễm. Cỏ Vetiver có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích như: chống sạt lở các công trình giao thông, xây dựng; giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng... Đặc biệt là cỏ Vetiver được sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm đất, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Dự án đã đạt được kết quả khả quan và có nhiều triển vọng khi bước đầu có thể chứng minh được cỏ Vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong các vùng đất do hậu quả chiến tranh để lại.

Sau khi hoàn thành nghiên cứu trong nước, TS Hường đã gửi đề tài của mình đến Chương trình Quan hệ Đối tác Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu của Mỹ. Năm 2017, cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ thông báo dự án đã nhận được khoản tài trợ 300.000 USD.

Với nguồn tài trợ này, nhóm nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cỏ Vetiver giảm thiểu ô nhiễm dioxin, tiến hành thí nghiệm giúp chỉ ra và làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn tại trong các nghiên cứu trước đây về việc cố định và xử lý các chất ô nhiễm bằng thực vật. Đồng thời sẽ mở rộng nghiên cứu ngoài thực địa giúp đánh giá lại những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023 vinh danh 6 công trình nghiên cứu xuất sắc về cỏ Vetiver, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, hôm 29/5. Giải thưởng nằm trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về cỏ Vetiver lần thứ 7, diễn ra từ 29/5 đến 1/6. Đây là lần thứ 3 Thái Lan đăng cai tổ chức, với chủ đề "Cỏ Vetiver trong bảo tồn đất và nước”, thu hút tham dự của các nhà khoa học, nghiên cứu từ hơn 18 quốc gia.

(Theo TPO)