Công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm ở thành phố Yên Bái: Còn nhiều khó khăn

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tới thời điểm hiện tại, toàn thành phố Yên Bái chưa có một điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đều được mổ tại các điểm nhỏ hoặc tại các hộ và hầu hết các điểm mổ này không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, công tác kiểm dịch trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán công khai tại chợ Km6 (phường Yên Thịnh).
Thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán công khai tại chợ Km6 (phường Yên Thịnh).

Đồng chí Lê Thị Phúc - Trạm phó Trạm Thú y thành phố cho biết: "Công tác kiểm dịch được bắt đầu từ buổi chiều trước khi mổ và sáng hôm sau. Chúng tôi đến tận nhà các hộ kinh doanh gia cầm kiểm tra số gia cầm các hộ chuẩn bị mổ bán. Ngày hôm sau, tiếp tục phải đến để kiểm tra xem số gia cầm được mổ có đúng với số lượng, số con đã kiểm tra chiều hôm trước không, nếu đúng thì mới đóng dấu cho tiêu thụ".

Tuy nhiên, chị Phúc cũng cho biết, hiệu quả của công tác này không cao. Các hộ kinh doanh có rất nhiều "mánh khóe" để qua mắt nhân viên thú y. Có khi gia cầm đưa cho thú y kiểm dịch là những con khỏe, không mắc bệnh, nhưng khi mổ lại là những con bị mắc bệnh để thay thế những con đã được kiểm dịch; hoặc buổi chiều cán bộ thú y kiểm tra nhưng đêm gia cầm mới được chuyển về, thú y không thể nào kiểm soát được.

Theo một cán bộ khác của Trạm thì các sản phẩm gia súc như: lợn, trâu, bò... có thể đóng dấu tại chợ, do những biểu hiện về bệnh rất dễ nhận biết. Đối với bệnh gia súc như bệnh lở mồm long móng có thể nhận ra ngay qua quan sát, còn các sản phẩm gia cầm khó nhận biết hơn. Đặc biệt gần đây, gà nhập lậu từ Trung Quốc về rất nhiều, tại hầu hết các chợ của thành phố đều có bày bán công khai, nếu cán bộ thú y không có kinh nghiệm sẽ rất khó phân biệt với những loại gia cầm trong nước.

Trong những tuần giáp Tết Đinh Hợi vừa qua, Trạm Thú y thành phố đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra, phát hiện 40 con gà mổ sẵn nhập lậu từ Trung Quốc được vận chuyển trên tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Chủ hàng đã bỏ trốn, toàn bộ số hàng trên đã được tiêu hủy. "Số lượng gà Trung Quốc nhập lậu được phát hiện và xử lý còn rất ít so với thực tế" - đồng chí Đàm Huy Đức - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết.

Cũng theo một cán bộ thú y có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm dịch thì trong dịp tết vừa qua, hầu hết tại các chợ của thành phố đều có bán công khai gà nhập lậu từ Trung Quốc, "biết nhưng không xử lý được". Để kiểm tra và xử lý vi phạm cần phải có các bên như: chính quyền phường, lực lượng quản lý thị trường và thú y cùng phối hợp. Tuy nhiên, công tác này chưa được thường xuyên. Các đợt kiểm tra, xử lý thường không đạt hiệu quả cao. Chỉ mới thoáng thấy "bóng" đoàn kiểm tra là các hộ kinh doanh gia cầm tại chợ đã tìm cách giấu toàn bộ số hàng vi phạm.

Trong tháng 2, thực hiện Kế hoạch số 02 KH-BCD ngày 2/1 của Ban Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm của thành phố, Trạm Thú y đã phối hợp với các ngành tổ chức nhiều đợt kiểm tra kinh doanh giết mổ gia cầm tại các chợ, nhưng chỉ xử lý được 1 vụ vi phạm bán thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng như siết chặt công tác kiểm dịch. Tuy nhiên, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vẫn công khai tiêu thụ. Cùng tham gia kiểm dịch với một cán bộ Trạm Thú y thành phố phụ trách khu vực chợ Nam Cường, chúng tôi được chứng kiến hàng chục con gà mà theo quan sát của chị Lê Thị Phúc thì đó là gà nhập lậu từ Trung Quốc. "Vì không rõ nguồn gốc nên chúng tôi không đóng dấu cho tiêu thụ" - chị Phúc cho biết. Còn chủ hàng, chị Nguyễn Thị Xuân thì giải thích rằng, đó là gà ế từ hôm trước. Nhưng khi được hỏi, tại sao gà ế mà vẫn không có dấu của Trạm Thú y thì chị Xuân không trả lời được.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý, kiểm dịch gia súc, gia cầm hiện nay của thành phố còn nhiều bất cập. Cán bộ thú y là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác kiểm dịch thì không được tự ý xử phạt khi phát hiện có vi phạm, nếu muốn xử lý phải có đại diện của chính quyền địa phương và quản lý thị trường thành phố, trong khi công tác phối hợp này không được thường xuyên.

Mặt khác, trên địa bàn thành phố chưa có điểm giết mổ tập trung nên việc quản lý nguồn gốc gia súc, gia cầm là rất khó khăn. Bên cạnh đó, hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm của cả các hộ kinh doanh và người tiêu dùng còn thấp. Chị Phúc cho rằng: "Nếu nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn, kiên quyết không mua những sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch thì các hộ kinh doanh cũng không thể tiêu thụ được các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Hiện nay, vẫn có người mua thì vì lợi nhuận kinh tế, các hộ kinh doanh vẫn tìm cách tiêu thụ, bất chấp sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng".

Trong tháng 2/2007, dịch lở mồm long móng ở gia súc xuất hiện ở một số địa phương của tỉnh và tuy đã được kiểm soát, khống chế nhưng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, dù chưa có ở Yên Bái nhưng không có gì đảm bảo rằng, dịch không xảy ra. Với công tác quản lý, kiểm dịch gia súc gia cầm như hiện nay của thành phố thì quả là đáng lo ngại!

 Anh Dũng