Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc giúp khách hàng thoát vụ lừa 36 triệu đồng qua mạng

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/8/2023 | 3:56:04 PM

YênBái - Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) mới đây đã giúp một khách hàng thoát khỏi vụ lừa tiền qua mạng. Đối tượng lừa đảo đã giả danh công an gọi cho nạn nhân lừa có quà của người nhà ở nước ngoài gửi về và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để nhận quà.

Bà Trần Thị T, 77 tuổi, ở tổ dân phố số 6, thị trấn Cổ Phúc trình bày sự việc tại Công an huyện Trấn Yên.
Bà Trần Thị T, 77 tuổi, ở tổ dân phố số 6, thị trấn Cổ Phúc trình bày sự việc tại Công an huyện Trấn Yên.

Lừa đảo trên mạng xã hội vẫn luôn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Tại  huyện Trân Yên thời gian gần đây vẫn tiếp tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Mới đây nhất, bà Trần Thị T. (77 tuổi) ở tổ dân phố số 6, thị trấn Cổ Phúc đã bị một đối tượng giả danh công an (cụ thể là mặc đồng phục công an) gọi điện trực tiếp và gọi bằng hình ảnh cho bà qua Zalo. Đối tượng lừa đảo nói rằng bà T. có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu bà T. nộp số tiền hơn 60 triệu đồng để phục vụ quá trình điều tra, hẹn nửa tiếng sau sẽ chuyển tiền trả lại cho bà. Đối tượng đe dọa nếu bà T. không chuyển tiền cho bọn chúng thì bà sẽ bị bắt đi tù. 

Ngay sau khi bị đối tượng gây áp lực, bà T. đã đến Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc để rút số tiền mà bà tiết kiệm được. Qua giao dịch với khách hàng, giao dịch viên nhận thấy bà T. có nhiều biểu hiện lo lắng, hoang mang. 

Nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo tương tự như các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mà Công an huyện Trấn Yên và Công an thị trấn đã tích cực tuyên truyền trong thời gian qua, nên giao dịch viên đã tạm dừng hoạt động giao dịch; đồng thời liên hệ với Công an thị trấn Cổ Phúc và đã ngăn chặn thành công việc chuyển tiền cho đối tượng của bà T.


Được biết, trước đó vào tháng 11/2022, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn cũng đã ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Theo đó, bà Nguyễn Thị H. thôn Quyết Thắng xã Y Can đã đến giao dịch tại quỹ tín dụng và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản người nhận là Châm Thị Ngọc số Tk 101876328849 tại ngân hàng Vietinbank (Ngân hàng Công thương Việt Nam) với số tiền 36.000.000 đồng. 

Sau khi nhận thông tin, kế toán chuyển tiền của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Phúc đã thực hiện giao dịch và phát hiện tên chủ tài khoản không phải là Châm Thị Ngọc mà là Trần Thị Ngọc Em. 

Ngay lập tức, giao dịch viên đã thông tin để khách hàng biết chủ tài khoản không đúng với tên người nhận; đồng thời tư vấn khách gọi lại cho người nhận để xác định. Tuy nhiên, cuộc gọi của bà H. cho bên kia không liên lạc được. Kế toán đơn vị đã khuyên bà thực hiện chuyển khoản sau. 

Ngay chiều hôm đó, khách hàng là bà H. đã quay lại và nói muốn chuyển tiền vào tài khoản cho người nhận tên Trần Thị Ngọc Em. Kế toán quỹ tiếp tục hỏi người nhận tên Em hay Êm thì khách hàng trả lời không biết rõ. 

Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, kế toán đơn vị đã báo cáo Ban giám đốc, ngay lúc đó Ban Giám đốc đã hỏi chuyện khách hàng. Qua câu chuyện, bà H. kể lại có người gọi bảo bà có quà của người nhà ở nước ngoài gửi về họ yêu cầu chuyển 36.000.000 đồng vào tài khoản thì họ gửi quà cho bà. Vỡ lẽ, lãnh đạo Quỹ đã giải thích bà bị lừa. Vị khách còn thật thà cho biết: "Tôi có ít thôi còn lại đi vay!".

Qua những vụ việc thực tế ở trên cho thấy, kinh nghiệm của cán bộ tín dụng khi giao dịch với khách hàng là rất quan trọng, góp phần ngăn chặn các vụ lừa đảo muốn chiếm đoạt tài sản của khách. 

Anh Lương Ngọc Hiền - Kế toán Quỹ tín dụng nhân dân  thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Chúng tôi làm việc giao dịch với khách hàng ở đây thì mỗi khách hàng đến chúng tôi cũng kiểm tra thông tin, khi khách hàng có những biểu hiện nghi vấn về các nội dung gửi tiền và rút tiền thông qua biểu hiện cảm xúc, giao tiếp thì chúng tôi sẽ khuyến cáo khách hàng không để các đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới nhưng nạn nhân thì luôn mới, luôn bị mắc bẫy, nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân, thậm chí một số người sập bẫy kẻ phạm tội cũng chỉ vì chút lòng tham. Dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này nhưng nhiều người vẫn bị "sa" bẫy của các đối tượng lừa đảo. 

Đại úy Vũ Anh Tú - Phó Trưởng công an thị trấn Cổ Phúc trao đổi: "Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân phải hết sức cảnh giác khi được đề nghị nộp tiền nhận quà hay chuyển tiền vào tài khoản vì một lý do nào đó. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết”.

(Tên khách hàng đã được thay đổi)

Thu Phượng - Thu Hằng - Bích Lân (Trung tâm TT-VH Trấn Yên)