Các nhà nghiên cứu phát hiện ở Việt Nam 16 loài ong ký sinh Loboscelidia và hành vi chôn trứng độc đáo của chúng.
|
16 loài ong ký sinh mới tại Việt Nam đã được thêm vào nhóm Loboscelidia dựa trên các đặc điểm vật lý độc đáo của chúng
|
Các nhà khoa học từ Đại học Kyushu (Nhật Bản) và Bảo tàng Thiên nhiên quốc gia Việt Nam đã xác định được 16 loài ong ký sinh Loboscelidia chưa được biết đến trên thế giới, theo trang tin Scitech Daily.
Đây là nhóm ký sinh có hình dáng kỳ lạ và khó bắt. Chúng thường rất nhỏ, có chiều dài cơ thể từ 2 - 5mm (nhỏ hơn cục tẩy đầu bút chì).
Phát hiện trên đã khiến số lượng loài Loboscelidia tăng lên thêm 30%, nâng số lượng loài được biết đến trên toàn thế giới lên 67 loài.
Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Taxonomy của châu Âu.
Mặc dù không được con người chú ý nhưng ong ký sinh Loboscelidia đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ sinh thái.
Hai tiến sĩ Yu Hisasue và Toshiharu Mita (thuộc khoa nông nghiệp của Đại học Kyushu) cùng với tiến sĩ Phạm Hồng Thái (Bảo tàng Thiên nhiên quốc gia Việt Nam) đã tiến hành khảo sát thực địa tại 6 địa điểm trên khắp Việt Nam, đặt bẫy và sử dụng lưới để bắt những con ong ký sinh nhỏ bé.
Trong một lần, họ bẫy được một con cái còn sống thuộc một trong những loài mới được mô tả, Loboscelidia squamosa. Họ thả con cái vào một thùng nhựa chứa đất và đặt một quả trứng côn trùng dạng que vào trong. Con ong cái đã chọc thủng quả trứng, đẻ trứng của mình vào bên trong rồi tìm kiếm địa điểm để chôn trứng ký sinh. Nó dùng đầu đào một cái hố, đặt quả trứng vào đó rồi dùng đất lấp lại.
"Loboscelidia được phát hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 150 năm, nhưng chúng ta vẫn thiếu những kiến thức quan trọng về sinh học của chúng. Nghiên cứu này là lần đầu tiên chúng tôi có thể quan sát hành vi ký sinh của chúng”, tiến sĩ Yu Hisasue cho biết.
Hành vi ký sinh của Loboscelidia tương tự như hành vi xây tổ được thấy ở những con ong bắp cày săn mồi đơn độc. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng nghiên cứu sâu hơn có thể giúp làm sáng tỏ những hành vi này phát triển như thế nào ở các loài ong bắp cày khác.
(Theo TTO)