Tháng 10/2019, đồng chí Nguyễn Đức Toàn được phân công nhiệm vụ từ Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng bộ xã Khao Mang. Sau 4 năm công tác ở cơ sở, nhiều vấn đề nổi cộm ở địa phương đã được giải quyết, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn cho biết: "Việc đầu tiên khi nhận công tác tôi tập trung thực hiện, đó là đoàn kết nội bộ, kiện toàn các tổ chức hội, đoàn thể. Bởi vì, tôi xác định công việc có thuận, chỉ đạo có thông suốt hay không thì trước hết Đảng bộ phải đoàn kết, thống nhất hành động. Tiếp đó là tuyên truyền, công khai, quy hoạch chung của xã: quy hoạch khu dân cư; chợ; trường học; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương sẽ phải thực hiện trong từng năm và cả nhiệm kỳ để người dân biết hiểu rõ”.
Xác định đời sống người dân Khao Mang vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trong đó, tập trung vào giảm dần các giống lúa kém năng suất, đưa vào canh tác các giống lúa đặc sản như: Séng cù, Nhị ưu 838 và đến nay Khao Mang là địa phương có sản lượng lương thực bình quân đứng thứ 2 của huyện với gần 900kg/người/năm. Ngoài ra, Khao Mang cũng đang trở thành xã có nhiều mô hình chăn nuôi hàng hóa có hiệu quả với 26 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn. Điển hình như ông Lý Sủ Vàng, bản Háng Đề Đài có trên 100 con dê.
Tìm tòi, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với khí hậu địa phương luôn là điều trăn trở đối với Bí thư Đảng bộ xã Khao Mang Nguyễn Đức Toàn. Năm 2020, đồng chí Toàn đã đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm và vận động 40 hộ có đất đồi trồng với diện tích 7 ha và trồng thử nghiệm 3 ha cây dẻ Trùng Khánh.Đến nay, mắc ca đã chuẩn bị cho thu hoạch và dự kiến bán 70.000 đồng/kg hạt.
Theo Bí thư Đảng bộ xã Khao Mang, để chính sách đi vào cuộc sống thì lãnh đạo địa phương cần làm tốt việc công khai, công bằng, bình đẳng trong thực hiện chính sách; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho dân.
Qua đánh giá của Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải, việc điều động, LCCB đã từng bước góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ qua môi trường công tác thực tế, giúp cán bộ am hiểu thực tiễn và phát triển toàn diện. Mặt khác, công tác LCCB đã khắc phục được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Đồng chí Giàng A Vừ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Việc LCCB được thực hiện đồng bộ, thận trọng, chặt chẽ và gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận, xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cán bộ được điều động luân chuyển đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn và khả năng hoàn thành nhiệm vụ”.
Góp phần thực hiện chủ trương bí thư đảng bộ, chủ tịch UBND các xã, thị trấn không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, huyện đã điều động, luân chuyển 56 trường hợp; trong đó, 30 lượt cán bộ từ ngành này sang ngành khác, 12 lượt cán bộ từ huyện về xã, 10 lượt cán bộ từ xã về huyện, 7 lượt cán bộ từ xã này sang xã khác .
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác LCCB trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải đã xây dựng Kế hoạch số 150-KH/HU, ngày 27/6/2023 về việc LCCB thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý giai đoạn 2023 - 2025 chú trọng bố trí cán bộ cân đối, hài hòa giữa LCCB với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ vừa đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ chính trị trước mắt vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lâu dài.
Anh Dũng