Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS), huyện Mù Cang Chải gặp vô vàn khó khăn từ việc 19/98 bản chưa có hệ thống mạng lưới điện quốc gia, 8 bản chưa có sóng di động băng rộng; hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet còn thiếu đến trình độ người dân còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận dịch vụ công còn thấp, thiếu các trang thiết bị cơ bản: máy tính, điện thoại…
Xác định những khó khăn này, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của huyện là phát triển hạ tầng số, thúc đẩy xã hội số. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách số, rút ngắn khoảng cách địa lý.
Với nhiệm vụ này, thời gian qua, huyện triển khai phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, ưu tiên các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng viễn thông với băng rộng cáp quang, từng bước phổ cập dịch vụ di động 4G và điện thoại thông minh.
Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ cài đặt các nền tảng công nghệ số thiết thực đến đồng bào.
Nhờ đó, đến nay, 100% trường học trên địa bàn có phòng họp trực tuyến đảm bảo đủ thiết bị tối thiểu; hệ thống Internet, màn hình tương tác thông minh, ti vi được bố trí tại các khối 1,2,3,6,7.
Trung tâm Y tế huyện triển khai cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh bằng căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID. Ngoài ra, 20% số hộ sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng thông rộng cáp quang, 10,6% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, 37% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng nhận qua tài khoản ATM, 31,5% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến, tập huấn kỹ năng số…
Một bộ phận đồng bào Mông đã bước đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng những kết quả của CĐS vào cuộc sống một cách hiệu quả. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, chị Lù Thị Hú ở xã Púng Luông đã có thể giới thiệu sản phẩm lê tai nung của gia đình tới hàng nghìn khách hàng gần xa dù đứng ngay tại vườn. Bằng cách chụp ảnh, livestream sản phẩm gửi lên các hội nhóm mua bán, gọi video để khách hàng thấy được sản phẩm, chị Hú đã không còn phải mang lê ra chợ bán, lê chín đến đâu có người thu mua đến đó.
Chị Hú cho biết: "Mình học được nhiều thứ từ điện thoại thông minh lắm. Không chỉ là quảng bá sản phẩm của mình đi khắp nơi mà mình còn có thể học chữ, tra cứu, tìm hiểu kiến thức như cách phòng trừ sâu, bệnh, kỹ thuật chăm sóc lúa, nuôi cá ruộng… khá hiệu quả”.
Thực tế, không ít người dân Mù Cang Chải sau khi bắt nhịp được với CĐS đã nhận thấy rõ những thay đổi, thuận lợi so với cuộc sống trước kia. Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đã giúp bà con giảm bớt công sức, thời gian đi lại, công việc lại hiệu quả hơn.
Anh Cứ A Thênh ở xã Hồ Bốn chia sẻ: "Không còn phải di chuyển đoạn đường rất xa để làm các thủ tục giấy tờ, bây giờ, chỉ cần có chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet là có thể ngồi nhà làm các thủ tục hồ sơ gửi lên huyện, tỉnh rất thuận lợi hoặc có gì cần phản ánh với cơ quan chức năng thì vào ứng dụng Yên Bái-S là được phản hồi. Nhanh lắm".
Bằng nhiều nỗ lực, khoảng cách số đang dần thu hẹp ở huyện nghèo vùng cao này. Đi chậm nhưng quyết tâm, Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025, 100% xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang; trên 30% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet; trên 90% người sử dụng dịch vụ bằng thiết bị thông minh; ít nhất 30% trưởng thành có thể sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; trên 25% người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến trên Bộ phận Phục vụ hành chính công của huyện…
Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của tỉnh, của ngành chức năng, Mù Cang Chải sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra, đưa những tiện ích từ CĐS phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Hoài Anh