Hà Lan chính thức đóng van mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 7:25:29 AM

Quyết định đóng cửa mỏ được công bố từ năm 2018 nhưng đến năm 2022, giới chức Hà Lan buộc phải hoãn đóng các van do thị trường năng lượng toàn cầu bất ổn vì tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hệ thống đường ống dẫn khí tại cơ sở khai thác khí đốt gần Garelsweerd, tỉnh Groningen, Hà Lan.
Hệ thống đường ống dẫn khí tại cơ sở khai thác khí đốt gần Garelsweerd, tỉnh Groningen, Hà Lan.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 1/10, Hà Lan đã chính thức dừng khai thác khí đốt tự nhiên từ mỏ Groningen ở miền Bắc nước này, mỏ khai thác khí đốt lớn nhất châu Âu.

Việc khai thác mỏ trong suốt 60 năm qua là nguyên nhân gây ra nhiều trận động đất tại địa phương và có nguy cơ sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Trước đó, nhà chức trách địa phương đã phải duy trì hoạt động của 11 đơn vị khai thác cuối cùng ở mỏ Groningen thêm 1 năm trước khi đóng cửa hoàn toàn để dự phòng trường hợp mùa Đông "quá khắc nghiệt" trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị dai dẳng.

Quyết định đóng cửa mỏ được công bố từ năm 2018 nhưng đến năm 2022, giới chức Hà Lan buộc phải hoãn đóng các van do thị trường năng lượng toàn cầu bất ổn vì tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Mỏ Groningen được đưa vào khai thác từ năm 1963.

Trong hơn 20 năm qua, người dân địa phương đã phải hứng chịu nhiều trận động đất có cường độ thấp nhưng tâm chấn nông nên gây nhiều thiệt hại.

Động đất xảy ra là do các túi chân không hình thành trong quá trình khai thác khí.

Bên cạnh các trận động đất, theo ông Jan Wigboldus, Chủ tịch Hội đồng Khí đốt Groningen, một hiệp hội địa phương chuyên vận động giúp đỡ các nạn nhân động đất, rất nhiều người dân trong khu vực gặp vấn đề về tâm lý do hoạt động khai thác khí đốt.

Theo Công ty Dầu khí Shell, khoảng 2.300 tỷ m3 khí đốt đã được khai thác từ mỏ Groningen, mang lại lợi nhuận lên tới 429 tỷ euro (tương đương hơn 454 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 1963-2020. Trong đó, 85% số lợi nhuận đã được chuyển vào Kho bạc Quốc gia.

(Theo Vietnam+)