Theo đó, mô hình "Bình dân học AI” nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về AI để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua các nền tảng AI giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, hiệu lực, hiệu quả công tác, tăng doanh thu, lợi nhuận kinh doanh và nâng cao chỉ số hạnh phúc của tổ chức và cá nhân.
Mô hình thí điểm triển khai trong thời gian 6 tháng, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 3/2024 với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; doanh nghiệp/hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh.
Mô hình hoạt động theo phương châm tự nguyện, các thành viên chủ động hướng dẫn, chia sẻ cho các thành viên khác kiến thức AI, cách sử dụng các công cụ AI để làm việc tương ứng với 3 dạng thông tin cơ bản trên Internet là hình ảnh, âm thanh và văn bản. Các tài liệu, video phục vụ học tập được các thành viên tự xây dựng, sưu tầm, thuyết trình, chia sẻ đến các thành viên tham gia trên nhóm.
Nội dung học tập bao gồm: tổng quan về AI; các công cụ AI xử lý văn bản, xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh; xây dựng nội dung bán hàng online; xây dựng video clip giới thiệu sản phẩm đa ngôn ngữ với AI; ứng dụng AI để chạy quảng cáo tới người nước ngoài; vẽ tranh, trang trí nhà cửa, văn phòng với AI; sử dụng AI để phân tích dữ liệu kinh doanh; viết các văn bản, giấy tờ, tài liệu với AI..
Phấn đấu số lượng thành viên nhóm nòng cốt tham gia tối thiểu 50 người; số lượng lớp được mở tối thiểu 24; số lượng buổi giảng của thành viên nhóm nòng cốt tối thiểu 48; số người tham gia học tối thiểu 500; số lượng video clip được xây dựng/chia sẻ tối thiểu 48 và số người học tập, biết ứng dụng AI mang lại hiệu quả tối thiểu 150 người.
Để đảm bảo các mục tiêu đề ra, sẽ có 1 trường phổ thông trên địa bàn thành phố; 5 chủ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh du lịch; 15 tổ trưởng tổ chuyển đổi số cộng đồng của 15 xã, phường tham gia mô hình "Bình dân học AI”.
Tổng kết thí điểm triển khai mô hình "Bình dân học AI” sẽ hoàn thành trước ngày 10/4/2024.
Thanh Chi