Sở Công Thương hội thảo bàn giải pháp tận dụng Hiệp định thương mại tự do cho ngành gỗ Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/11/2023 | 8:30:55 PM

YênBái - Chiều 3/11, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) và UBND huyện Yên Bình tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đối với ngành gỗ và các nhóm hàng hóa khác.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 520 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 520 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 90 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác. 

10 tháng năm 2023 giá trị xuất khẩu ước đạt 279,88 triệu USD, bằng 80% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng nông lâm sản chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (44%)  với giá trị xuất khẩu đạt 122,45 triệu USD. Đóng góp chủ yếu của nhóm hàng này là gỗ, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ của một số doanh nghiệp lớn chiếm 15% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. 


Hiện toàn tỉnh có khoảng 520 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, trong đó có 464 cơ sở sản xuất ván bóc các loại. Trong những năm qua, ngành sản xuất gỗ ván ép, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước... 

Song, các cơ sở chế biến gỗ ván bóc đều hình thành tự phát, năng lực quản trị cũng như năng lực tài chính còn hạn chế nên sản phẩm làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, dạng sơ chế. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm bấp bênh, kém bền vững, nên đôi lúc phải chịu sự điều chỉnh giá của đối tác, hoạt động sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào một thị trường đó là Trung Quốc. 


Quang cảnh Hội thảo chiều 3/11.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường CPTPP, giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2023 đạt khoảng  9 triệu USD (mặt hàng xuất khẩu gồm: đá xẻ, đũa gỗ, măng tre); 03 doanh nghiệp xuất sang thị trường  EVFTA, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2,5 triệu USD (mặt hàng xuất khẩu là đá Block); không có doanh nghiệp nào xuất khẩu sang thị trường UKVFTA. 

Qua số liệu cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh thực tế chưa tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để khai thác, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quan tâm để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các điều kiện xuất khẩu vào thị trường các nước theo Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  tận hưởng lợi thế ưu đãi từ các hiệp định.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu ra các vấn đề doanh nghiệp tỉnh đang gặp phải trong quá trình tận dụng các FTA; cơ hội, thách thức khi Việt Nam thực thi và tham gia nhiều hơn các FTA;  giải pháp và định hướng của Bộ Công Thương giúp cho doanh nghiệp của tỉnh tận dụng tốt hơn các FTA; kế hoạch xử lý các vấn đề  tồn tại của ngành gỗ hiện nay. 

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp trong ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề tồn tại, khó khăn mà doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải đối mặt, các giải pháp để giải quyết các tồn tại, đặc biệt trong quá trình tận dụng các FTA hướng đến phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị…

Văn Thông