Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải: Cần nỗ lực lớn cùng nguồn lực đầu tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bảo tồn loài và sinh vật cảnh nhằm góp phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm, nâng cao chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều hòa môi trường sinh thái, nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên và môi trường.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thanh Sơn)
Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thanh Sơn)

Không chỉ có vậy, điều đó còn có ý nghĩa quan trọng với chương trình bảo tồn, đa dạng sinh học của quốc gia, chương trình nghiên cứu, giáo dục đào tạo trên lĩnh vực bảo tồn loài, bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Cũng thông qua khu bảo tồn sẽ góp phần ổn định, phát triển đời sống cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Trước những ý nghĩa đó, trong tháng Tư lịch sử này, tại Mù Cang Chải, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích trên 20.293 ha, trong đó 5.128,7 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt, 5.164 ha phân khu phục hồi sinh thái, nằm trên địa bàn 5 xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình của huyện Mù Cang Chải. Mục tiêu của Khu bảo tồn là bảo tồn, phục hồi quần thể của 4 loài: Vượn đen, Voọc xám, Niệc cổ hung, Gà lôi tía và các loài động, thực vật quý hiếm; bảo tồn hệ sinh thái rừng góp phần duy trì, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện sông Đà và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án. Không chỉ thế, qua nhiều năm điều tra, khảo sát của tổ chức FFI (Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế) đã phát hiện trong Khu Bảo tồn có 22 loài bò sát, lưỡng cư, 127 loài chim và quý hiếm hơn cả là loài Niệc cổ hung, hiện nay chỉ còn thấy ở Mù Cang Chải và Vườn Quốc gia Pù Mát. Còn thú và sinh vật cảnh thì hết sức phong phú, với trên 53 loài, nhưng đáng chú ý nhất là loài Vượn đen tuyền đặc biệt quý hiếm. Về rừng và thảm thực vật rất phong phú, có nhiều loài gỗ quý hiếm như: đinh, lim, pơ mu, dổi...

Phong phú và quý hiếm là vậy và mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ tài nguyên của các cấp chính quyền, song nhiều năm qua, do cuộc sống mưu sinh và vì lợi nhuận, loài sinh vật cảnh ở đây đang bị xâm hại nặng nề, nhiều loài sinh vật cảnh và thảm thực vật rừng có nguy cơ tiệt chủng. Trước thực trạng đó, việc UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Dự án đầu tư Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải và thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn là cần thiết và hợp lý. Ban quản lý trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái - trụ sở hoạt động tại Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải và ông Vũ Ngọc Tạo - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm Trưởng ban quản lý.

Mặc dù Khu Bảo tồn đã được phê duyệt đầu tư và thành lập Ban quản lý, song nỗi lo của đông đảo người dân cũng như người yêu động vật và sinh vật cảnh vẫn còn. Bởi lẽ Khu Bảo tồn quá rộng, lại nằm trên địa bàn dân cư của 5 xã, cuộc sống người dân nơi đây vẫn rất nghèo, đời sống phụ thuộc vào rừng là chính. Có nhiều người dân sống chủ yếu bằng săn bắn, hái lượm, khai thác rừng, chứ ít trồng và tu bổ rừng. Tuy toàn bộ diện tích rừng nằm trong Khu Bảo tồn đã được giao cho các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ khoanh nuôi, nhưng chúng ta vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hưởng lợi của các chủ rừng. Và trong khi Khu Bảo tồn chỉ có 2 tổ tuần tra kiểm soát với 7 người thì khó có thể bảo vệ nổi! Và liệu có ai dám chắc rằng, các chủ rừng là những người dân lại không xâm hại khi thấy có động vật quý hiếm? Một vấn đề nữa là phong tục tập quán người dân vùng cao sống chủ yếu bằng phát nương làm rẫy nên rất khó khăn trong công tác phòng chống cháy rừng. Qua thực tế từ nhiều năm cho thấy, gần như toàn bộ diện tích cháy rừng đều do đốt nương làm rẫy gây ra.

Ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải, Phó ban quản lý Khu Bảo tồn và cũng là người sống và gắn bó với rừng Mù Cang Chải từ nhiều năm nay rất lo lắng trong công tác bảo vệ. Ông cho biết: "Để bảo vệ Khu Bảo tồn hiệu quả, trước mắt phải xây dựng biển báo cấp cháy rừng, săn bắn động vật ở các cửa rừng. Xây dựng quy ước bảo vệ rừng tới các thôn, bản và toàn bộ người dân nằm trong khu vực bảo tồn. Phải quy hoạch cụ thể vùng làm nương rẫy cho bà con ổn định, không để tràn lan như hiện nay. Khai hoang ruộng nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây thảo quả, sa nhân và các loại cây dược liệu để nâng cao đời sống nhân dân; thu hồi và vận động nhân dân không sử dụng vũ khí tự tạo; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, săn bắn động vật tới từng hộ dân; xây dựng, củng cố và tăng thêm biên chế cho các tổ đội tuần tra, bảo vệ". 

Những giải pháp và đề xuất của Ban quản lý Khu Bảo tồn là đúng, nhưng muốn làm và làm hiệu quả cần có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành cùng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các tổ chức. Và nếu có làm được và giải quyết được các vấn đề trên thì mục tiêu của Khu Bảo tồn mới trở thành hiện thực.

Thanh Phúc