Chính sách tín dụng nâng đỡ người lầm lỡ

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 7:43:11 AM

YênBái - Trên cơ sở Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Yên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giúp nhanh chóng đưa chính sách này vào cuộc sống.

Anh Lương Văn Quang được vay vốn chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Lương Văn Quang được vay vốn chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Lương Văn Quang ở thôn Phát, xã Châu Quế Hạ đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gần 3 năm. Mấy năm qua, do không có vốn phát triển kinh tế nên anh thường xuyên đi làm ăn xa kiếm sống. Tuy nhiên, nhờ có chính sách của Chính phủ, sự bảo lãnh của gia đình, nhận ủy thác của các tổ chức hội, anh đã được vay 90 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Từ đây, anh có thể yên tâm lao động sản xuất, làm lại cuộc đời. 

Anh Quang chia sẻ: "Nhờ chính sách này, tôi được vay tiền để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn này, tôi sẽ đầu tư trồng quế, trồng keo, chăn nuôi để bản thân có một cuộc sống tốt đẹp hơn”. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Châu Quế Hạ có 16 người đã chấp hành xong án phạt tù. Khi có chính sách này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, tiến hành thống kê, rà soát để tất cả các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước đều có thể được tiếp cận nguồn vốn chính sách nhằm tạo cho họ những cơ hội mới để phát triển kinh tế gia đình. 

Đồng chí Nguyễn Đình Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ cho biết: "Đến nay, qua rà soát, trong 16 người đã chấp hành xong án phạt tù, mới có 1 người đủ điều kiện vay vốn và được giải ngân. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, xã giao cho các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ, giúp đỡ, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Với những người đã chấp hành xong án phạt tù thì đây quả thực là trợ lực rất lớn để họ vươn lên, làm lại cuộc đời. Đây cũng là cách mà Đảng, Nhà nước trao cho họ những cơ hội, tạo cho họ điểm tựa để họ vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Ngay sau khi Quyết định số 22 được triển khai, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện và giám sát. Đồng thời hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong việc triển khai thực hiện; trọng tâm là hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện… 

Ông Hoàng Ngọc Giang - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên cho biết: "Hiện tại, chúng tôi tập trung tổ chức cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin; tiếp cận, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù hoàn thiện hồ sơ vay vốn để cho vay; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh”. 

Theo Quyết định số 22, quy định về mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quyết định số 22 chính là một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đến thời điểm hiện tại, có 2 người chấp hành xong án phạt tù ở xã Châu Quế Hạ và Ngòi A được vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền 90 triệu đồng/người.

Thời gian tới, huyện Văn Yên nói chung và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện nói riêng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tín dụng này một cách hiệu quả và thiết thực; đảm bảo để người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có đủ điều kiện cần thiết được tiếp cận nguồn vốn chính sách này. Đồng thời, tạo cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm giúp ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. 

Trần Ngọc