Nỗ lực xóa bỏ hủ tục ở vùng cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 11:52:43 AM

YênBái - Rất nhiều hủ tục tồn tại ở vùng cao như: không đưa người chết vào quan tài; hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, người nhà ốm, bệnh nặng không đưa đi bệnh viện ngay để ở nhà mời thầy về cúng ma. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều năm qua, một số hủ tục đã dần được loại bỏ.

Huyện đoàn Trạm Tấu phối hợp tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn tại Trường Tiểu học và THCS Bán trú Khấu Ly, xã Bản Mù.
Huyện đoàn Trạm Tấu phối hợp tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn tại Trường Tiểu học và THCS Bán trú Khấu Ly, xã Bản Mù.

Trước đây, mỗi khi trong nhà có người ốm đau, bệnh nặng, sắp sinh con, đa số các gia đình đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu không đưa người thân đi đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh mà thường mời thầy về cúng ma khoảng 2 - 3 ngày không thấy bệnh đỡ mới cho người nhà đi viện, dẫn tới có trường hợp tử vong do không được khám, chữa bệnh kịp thời.

Trong đám ma, người chết không đưa vào quan tài để làm ma lâu ngày hoặc nghi ngờ người khác thả ma làm cho người nhà mình ốm rồi bắt giữ người trái pháp luật. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra khá phổ biến ở các xã của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, những năm gần đây, các hủ tục đã thuyên giảm dần theo từng năm.

Trên đường đi dự phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 chuyên đề phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS Bán trú Khấu Ly, xã Bản Mù; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Giàng A Trang chia sẻ về  công việc của anh và những cán bộ đang công tác ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã và đang làm để góp phần xóa bỏ các hủ tục tại địa phương.

"Trạm Tấu có 10 xã và 1 thị trấn, điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều; một số hủ tục chưa thể xóa bỏ. Các nhiệm kỳ trước đây, cấp ủy các cấp trong huyện đã quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm công tác dân vận, xuống cơ sở cùng ăn, cùng làm với bà con người Mông, giúp các gia đình làm nhà ở, công trình phụ, đưa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà để phòng bệnh tật; tuyên truyền người dân đưa người chết vào quan tài; khi ốm đau, bệnh nặng, sắp sinh con phải đưa người nhà đến ngay các cơ sở y tế; không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... 

Đến nay, các hủ tục như: người chết không đưa vào quan tài; hôn nhân cận huyết thống đã cơ bản được xóa bỏ, song tình trạng tảo hôn, người nhà ốm, bệnh nặng không đưa đi bệnh viện ngay để ở nhà mời thầy về cúng ma vẫn còn. Khi người nhà bị ốm hay bệnh chết vẫn còn một số trường hợp nghi bị người khác thả ma làm cho người mình bị ốm hoặc bị chết, rồi lấy cớ bắt giữ người trái pháp luật...”. 

Trường hợp bị nghi thả ma làm cho người khác chết của vợ chồng anh Giàng A Sèo và Thào Thị Xê, trú tại thôn Bản Công, xã Bản Công là một ví dụ. Vừa rót nước mời khách, chị Xê rơm rớm nước mắt kể lại: "Khoảng tháng 5 năm 2015, mình và chồng đi lấy gỗ từ rừng về đến thôn Háng Khấu Dê, xã Bản Công thì gặp Giàng A Páo đang ngủ ở ven đường, mình và chồng gọi nhưng không thấy Páo dậy, mình đã nhặt một vỏ chai nhựa ở ven đường lấy nước khe cho Páo uống, sau đó hai vợ chồng mình tiếp tục đi về nhà. Páo dậy uống nước xong cũng đi về nhà. 

Sau đó, Páo bị sốt, đau đầu, gia đình Páo đưa đến bệnh viện huyện để khám bệnh và điều trị chưa khỏi thì Páo bỏ về nhà để cúng ma, được mấy ngày thì Páo chết. Sau khi Páo chết, mình xuống nhà thăm, họ nghi cho mình là người thả ma giữ mình lại và gọi chồng xuống nhà Páo đánh chồng mình ép chồng nhận là mình đã thả ma làm Páo chết. Rồi họ bắt vợ chồng mình phải làm cho Páo sống lại không thì họ sẽ cho mình chết luôn cùng Páo. Mình và chồng không thể làm cho Páo sống lại được nên họ đã bắt trói mình lại và giữ hơn một ngày một đêm...”. 

- Thế hai vợ chồng chị có bị gia đình Páo phạt tiền không - Tôi hỏi.

- Có chứ, anh trai Páo là Giàng A Lồng đã phạt hai vợ chồng mình 1 con trâu, 2 con lợn, 2 tấm ván và 4 bao thóc để làm ma cho Páo.

- Sao hai vợ chồng chị không báo chính quyền địa phương để được can thiệp?

- Lúc đó, mình và chồng sợ quá phải mang nộp đủ mọi thứ, không thì sợ họ lại giết mình. Nhưng sau đó, mình và chồng đã báo tin cho xã và Công an xã biết, họ đã điều tra, xét xử Giàng A Lồng và một số người trong gia đình họ và họ cũng hoàn trả lại mọi thứ cho gia đình mình rồi...

Còn câu chuyện tiếp theo đây là của bác sĩ Sùng A Vang - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu. Bác sĩ Vang kể: "21 giờ ngày 16/2/2021, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu tên là Vàng Thị Dở ở xã Bản Công vào khám bệnh trong tình trạng đau bụng ra máu. Sau khi khám, chẩn đoán bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ, ngập máu ổ bụng, co choáng, tình trạng nguy cấp phải mổ ngay nhưng người nhà bệnh nhân sợ mổ Dở sẽ chết nên xin đưa về nhà để mời thầy đến cúng ma. 

Tôi và các đồng nghiệp phải nói bằng tiếng Mông vận động, giải thích, thuyết phục chồng chị Dở và người nhà để ở bệnh viện để các y, bác sĩ mổ cho chị Dở thì mới cứu được, chứ mang về nhà bây giờ để mời thầy đến cúng ma, trên đường đưa về, chị Dở sẽ chết. Sau khi giải thích thuyết phục nhiều lần, người nhà đã đồng ý cho chị Dở ở lại bệnh viện mổ, ca mổ đã thành công tốt đẹp, chị Dở thoát khỏi cái chết cận kề. Gia đình họ rất phấn khởi... 

Còn có một trường hợp cách đây cũng vài năm rồi, có một cháu nhỏ ở xã Bản Mù bị bệnh. Gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện để khám, chữa bệnh, khi mới điều trị được 2 - 3 ngày, thấy bệnh chưa khỏi, họ đã trốn viện về tự mua thuốc ở chợ (không được bác sĩ kê đơn) tự điều trị dẫn đến cháu nhỏ tử vong".... 

Bên cạnh hủ tục thả ma, cúng ma, tình trạng tảo hôn ở các xã vẫn tồn tại. Những ngày cuối tháng 11/2023, chúng tôi lên xã Xà Hồ để tìm hiểu về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương này. Như đã hẹn, Bí thư Đoàn xã Xà Hồ Giàng A Tu, đưa chúng tôi đến gia đình chị Hảng Thị Dinh, thôn Sáng Pao. Rất may, chị vừa đưa người con út (con thứ 8) đi học về. Chị mời khách vào nhà uống nước. Nhà chị thuộc diện hộ nghèo nên trong căn nhà 3 gian lợp phibrôximăng không có đồ vật gì đáng giá ngoài mấy chiếc giường; bàn ghế để ngồi uống nước cũng không có. Chúng tôi vén chiếc màn chưa gấp lên, ghé ngồi tạm vào chiếc giường trò chuyện cùng chị Dinh. 

- Chị năm nay bao nhiêu tuổi? Chị lấy chồng năm nào? Chị có mấy người con? - tôi hỏi.

- Chi pâu à, chi pâu à, chi pâu à (Không biết, không biết, không biết).

Chị Dinh không biết tiếng Kinh. May có Bí thư Đoàn xã Giàng A Tu đi cùng đã kịp thời hỏi lại và phiên dịch hộ. Anh Tu dịch: Chị Dinh bảo năm nay 40 tuổi rồi, còn lấy chồng thì không nhớ, chỉ nhớ là mình thuộc diện tảo hôn thôi. Mình có 8 người con, con út năm nay mới học lớp 4, cách nhà gần 2 km, chồng đi phát cỏ rừng trồng thuê ở huyện Văn Chấn, mình phải đưa con đi học xong mới về làm việc nhà.

- Chị có cháu nào lấy vợ, lấy chồng chưa?

- Thằng con trai thứ hai lấy vợ năm 19 tuổi (tảo hôn), vợ nó đẻ 2 lần, 1 lần sinh đôi được 3 đứa cháu rồi. Đứa con gái cả mới lấy chồng, vì mình khuyên nó không tảo hôn giống mẹ nữa, lấy chồng sớm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đẻ nhiều nữa thì khổ lắm, nghèo mãi như mẹ thôi! Thế là nó cũng nghe, không tảo hôn nữa. Còn một đứa đi làm thuê ở Bắc Ninh, một đứa học nghề ở thị xã Nghĩa Lộ, 4 đứa nữa đang đi học ở xã và huyện... - anh Tu dịch.


Chị Hảng Thị Dinh ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ đưa con thứ 8 đi học. 

Do tảo hôn, sinh con nhiều nên cuộc sống của gia đình chị Dinh rất khó khăn. Vợ ở nhà làm ruộng, làm chè không đủ ăn, hiện 13 khẩu ăn trong gia đình chỉ còn 20 bao thóc, mỗi bao 40 kg mà vụ xuân đến tháng 6/2024 mới được thu hoạch nên hàng năm gia đình chị vẫn phải đăng ký với xã xin gạo cứu đói...

Câu chuyện xóa bỏ các hủ tục nhiều năm qua ở huyện vùng cao Trạm Tấu không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhiều năm qua, các xã, thị trấn đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; người chết đã đưa vào quan tài, tổ chức đám tang đúng thời gian quy định.

Đặc biệt, tình trạng tảo hôn cũng đã giảm nhiều. Nếu như năm 2020, trên địa bàn huyện còn 107 trường hợp tảo hôn thì đến năm 2023 giảm xuống còn 21 trường hợp. Tuy nhiên, các hủ tục nghi thả ma, dẫn tới bắt giữ người trái phép; bị ốm, bị bệnh vẫn ở nhà cúng ma 2-3 ngày không khỏi mới đưa đi bệnh viện vẫn còn... 

Để góp phần xóa bỏ các hủ tục, hiện nay, huyện Trạm Tấu đang tích cực triển khai có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, các cấp, Ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh các cấp nâng cao nhận thức, tiến tới xóa bỏ các hủ tục ra khỏi bản làng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Minh Hằng