Yên Bái sử dụng hiệu quả nguồn lực giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/12/2023 | 9:44:40 AM

YênBái - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Lê Thành Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về một số kết quả nổi bật thực hiện Chương trình.

Cây sơn tra mang lại thu nhập ổn định cho người dân Mù Cang Chải.
Cây sơn tra mang lại thu nhập ổn định cho người dân Mù Cang Chải.

- Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua? 

Ông Vũ Lê Thành Anh: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 4/4/2022 về việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, trong đó đã xác định rõ từng mục tiêu cụ thể, đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện từng dự án, tiểu dự án thành phần và các nhiệm vụ có liên quan đến việc triển khai Chương trình.

Thực hiện phân công của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 81/KH-UBND, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật. Tổng nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 là 496 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân 288/496 tỷ đồng, đạt 58% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình. 

Từ nguồn vốn này, đên nay, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 61 công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo; duy tu bảo dưỡng 25 công trình hạ tầng khác; đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; triển khai 36 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng; khởi công làm mới và sửa chữa 1.598 nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo… 

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức trên 47 lớp đào tạo nghề cho 1.332 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; triển khai trên 70 lớp tập huấn cho gần 6.000 lượt cán bộ giảm nghèo các cấp…


Năm 2023, nhiều hộ nghèo ở Yên Bái đã được hỗ trợ làm nhà ở từ nhiều nguồn đầu tư.

Các nỗ lực này góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tại các huyện nghèo; nâng cao năng lực đào tạo của mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; phát triển kỹ năng nghề, mở rộng sinh kế, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, từ đó đẩy nhanh tiến độ và nâng cao tính bền vững trong hoạt động giảm nghèo.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15% so với 2021; đến năm 2023 giảm 3,76% so với năm 2022. Tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo trên giảm bình quân 7,98% trong năm 2022 và 8,84% trong năm 2023.

- Để đạt được những kết quả trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp gì? 

Ông Vũ Lê Thành Anh: Kế thừa những kinh nghiệm đã có từ giai đoạn trước kết hợp với việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan đã tập trung tham mưu với UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp. Cụ thể:

Hàng năm, đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó xác định rõ chỉ tiêu giảm nghèo đến từng địa phương và phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” (mỗi năm, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có trách nhiệm vận động, giúp đỡ trên 1.000 hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo).

Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự giác, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời nâng cao hiểu biết của cán bộ và người dân về nội dung, đối tượng, phạm vi hỗ trợ của Chương trình. Trên cơ sở đó, các địa phương và từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ động đăng ký tham gia các dự án, hoạt động giảm nghèo thuộc Chương trình.

Đã tham mưu cho UBND tỉnh từng bước hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã ban hành tương đối đầy đủ nghị quyết, kế hoạch, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình theo phân cấp quản lý; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án; định kỳ họp đánh giá tiến độ và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Kết hợp việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, coi đây là tiền đề để thực hiện giảm nghèo bền vững. 

Trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực thuộc các CTMTQG với các nguồn lực huy động hợp pháp khác, trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với mục tiêu làm mới trên 3.000 căn nhà trong năm 2023-2024 để giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn về nhà ở của hộ nghèo. Trong đó, năm 2023, toàn tỉnh đã khởi công hỗ trợ làm nhà cho 1.598 hộ nghèo, hộ cận nghèo và sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm nay. Số nhà còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. 

Tỉnh cũng lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ tầng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hạ tầng phát thanh, truyền hình, viễn thông, ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo.


Thành phố Yên Bái quan tâm, hỗ trợ con giống cho hộ nghèo ở xã Minh Bảo.

- Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện?

Ông Vũ Lê Thành Anh: Từ thực tiễn quá trình triển khai CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, từ đầu giai đoạn đến nay, việc triển khai thực hiện Chương trình đã có được một số thuận lợi nhất định. Đó là: 

Việc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ công tác giảm nghèo nói chung và tổ chức thực hiện Chương trình nói riêng trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.

Cùng với việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Nhà nước, đồng thời tích cực huy động các nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ các hộ nghèo, tạo ra sự cộng hưởng, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Nội dung của Chương trình giai đoạn 2021-2025 có nhiều đổi mới về phạm vi, nội dung, đối tượng hỗ trợ theo hướng trợ giúp toàn diện đối với các địa bàn nghèo, hộ nghèo, người nghèo, tạo cơ hội cho các địa phương, hộ gia đình cơ hội thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng nghèo một cách bền vững.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng gặp phải những khó khăn. Đó là:

CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý Chương trình so với giai đoạn trước; số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn; cơ chế quản lý chặt chẽ hơn. Các nội dung hướng dẫn Chương trình được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nội dung của các văn bản thường rất dài, trong đó có nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung sau khi được một thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện Chương trình của các địa phương, nhất là nguồn vốn sự nghiệp.

Theo quy định của Chương trình trong giai đoạn này, UBND và HĐND tỉnh phải ban hành một số lượng lớn các văn bản quán lý, hướng dẫn thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền của địa phương. Phần lớn trong số đó là văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi được xây dựng và ban hành theo trình tự chặt chẽ và mất khá nhiều thời gian.


Sự đồng hành của các tấm lòng hảo tâm đã góp phần động viên người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Việc phân bổ nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương chi tiết theo từng dự án, tiểu dự án theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản Bộ Tài chính dẫn đến các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đối tượng, phạm vi khi thực hiện phân bổ vốn cũng như triển khai thực hiên các dự án, tiểu dự án hàng năm. Có những dự án có nhu cầu, đối tượng nhiều, dễ thực hiện nhưng được giao mức vốn thấp (Dự án 5, Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo); Dự án đang vướng mắc về đối tượng thụ hưởng, khó thực hiện được giao mức vốn cao (như Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn).

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên hệ thống cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của Dự án 1, Hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn còn thấp so với nhu cầu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang 
(thực hiện)