Yên Bái là tỉnh miền núi, với nhiều thành phần dân tộc, nhận thức của người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.
Cụ thể, Sở Công Thương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2023 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 hội thảo về tình hình giá và cách sử dụng phân bón; các sở, ngành có liên quan đã cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử các quy định về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.
Bên cạnh đó, hàng năm các sở, ban, ngành có liên quan đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giá. Trong đó, Sở Y tế tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức, quy định pháp luật, kỹ năng nghiên cứu, xác định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc, đấu thầu cho các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Qua đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý, điều hành giá được triển khai thường xuyên, kịp thời, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Cùng với tuyên truyền, các sở, ngành tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Sở Y tế đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2078/UBND-VX ngày 5/9/2018 về việc giao thực hiện kê khai lại giá thuốc sản xuất trong nước, công khai thủ tục hành chính về việc kê khai lại giá thuốc trên trang thông tin điện tử. Trong 8 tháng năm 2023, Sở Tài chính đã tiếp nhận, xử lý 77 hồ sơ rà soát biểu mẫu giá và đăng ký giá...
Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, điều hành giá cũng được các cơ quan chức năng tăng cường triển khai. Từ năm 2021 đến tháng 8/2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức 282 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó, ngành y tế 7 cuộc, ngành công thương 270 cuộc, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 5 cuộc. Qua đó, phát hiện, xử lý 62 trường hợp vi phạm về giá, tập trung ở nhóm hành vi: không niêm yết giá bán, không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng theo quy định, không xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu theo quy định; kinh doanh xăng dầu không có giấy phép; ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận...
Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: "Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện tương đối hiệu quả về quản lý, điều hành giá. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận đăng ký và kê khai giá được thực hiện, xử lý kịp thời; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cũng được quan tâm, chú trọng; qua đó, đã phát hiện nhiều sai phạm và kịp thời xử lý, góp phần nâng cao việc quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn”.
Qua đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: số lượng cán bộ làm công tác nghiệp vụ về giá tại nhiều sở, ngành còn thiếu, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá; kinh phí dành cho công tác thực thi pháp luật và theo dõi tình hình thực hiện pháp luật còn thiếu...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; triển khai hiệu quả các biện pháp bình ổn thị trường; tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý giá để hạn chế những thông tin không đúng, gây nhiễu tâm lý người tiêu dùng. Đối với một số mặt hàng thiết yếu, phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng...
Hùng Cường