Đề xuất bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/12/2023 | 9:16:00 AM

YênBái - Bộ Nội vụ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung 27.860 biên chế giáo viên cho các địa phương, năm học 2023-2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Nội vụ, năm học này, các địa phương đề xuất bổ sung 104.656 giáo viên so với năm trước, nâng tổng số biên chế giáo viên cả nước lên gần 1,2 triệu. Trong đó, nhu cầu về giáo viên mầm non và THCS nhiều nhất.

Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ và Giáo dục Đào tạo dự kiến bổ sung 27.868 biên chế cho năm học 2023-2024. Số còn lại sẽ bổ sung với trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo, đến 2026.

Phương án sẽ được hai bộ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương quyết định.


Cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, tích hợp. Trong đó, Thanh Hóa và Hà Nội thiếu giáo viên nhiều nhất.

Tháng 7 năm ngoái, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương mới tuyển được hơn một nửa số này.

Lý giải, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ.

Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đề nghị cho phép các tỉnh miền núi được tuyển giáo viên TH&THCS trình độ cử nhân cao đẳng. Theo đó tỉnh Yên Bái đã  kiến nghị Bộ GDĐT và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi các thông tư hiện hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện của địa phương và mức độ trang bị cơ sở vật chất. 

Có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương và mua sắm thiết bị dạy học, đặc biệt là vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động này. Cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào các huyện vùng cao giáo viên TH&THCS theo chuẩn cũ (cử nhân cao đẳng) và có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển giáo viên hiện nay, nhất là khu vực miền núi. Xem xét điều chỉnh mức học bổng chính sách, trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên theo hướng dựa trên mức lương cơ sở… 



YBĐT (Theo VnExpress)