Lục Yên chủ động tái đàn vật nuôi sau tết Nguyên đán

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/3/2024 | 7:42:05 AM

YênBái - Xác đinh tái đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường, huyện Lục Yên đã chỉ đạo nông dân tập trung tái đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch kết hợp với phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Người dân xã Lâm Thượng chăm sóc đàn đại gia súc.
Người dân xã Lâm Thượng chăm sóc đàn đại gia súc.

Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Lý Đạt Phần, thôn Nà Kèn Nặm, xã Lâm Thượng đã xuất bán hàng chục con lợn thịt. Ngay sau tết, gia đình anh tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi và tiếp tục vào giống lứa lợn mới. Anh Phần chia sẻ: "Ngay sau tết, gia đình tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn cần phải cẩn trọng, đặc biệt là chú ý công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Ngoài đàn lợn, gia đình tôi sẽ phát triển thêm đàn gà để nâng cao thu nhập”.

Theo thống kê, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn gia súc chính của huyện Lục Yên đạt 123.450 con, bằng 100% so với kế hoạch; trong đó, đàn trâu là 18.100 con, bò 1.850 con, lợn 103.500 con. Tuy nhiên, trong dịp tết Giáp Thìn vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm (khoảng 20 - 30%) được xuất bán để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện giảm mạnh. 

Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi”; chuẩn bị đầy đủ vắc - xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2024. 

Đồng thời, định hướng mở rộng phương thức chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để phối trộn làm thức ăn, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng phối hợp với các xã, thị trấn tích cực rà soát, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Tuyên truyền cho người dân chuẩn bị nguồn con giống khi tái đàn cần lựa chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, khỏe mạnh, có tầm vóc to lớn, cơ thể phát triển cân đối, lưng thẳng bụng gọn, bốn chân chắc khỏe, lông, da bóng mượt, phàm ăn, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng... 

Chuồng trại cần định kỳ vệ sinh sạch sẽ, tùy thuộc vào mật độ nuôi thay chấu, không để đệm lót bị ướt; định kỳ phun thuốc khử trùng khu chăn nuôi một tuần 1 lần; làm rèm che chắn gió lùa, nắng, mưa tạt bảo đảm chuồng trại luôn khô ráo; định kỳ cho ăn thêm thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn, nước uống cho gà ăn để phòng bệnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng đầy đủ và đúng cách các loại vắc - xin: Newcastle, cúm gia cầm, tụ huyết trùng… Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống hàng ngày, không để thức ăn dư thừa trong máng. Thức ăn phải thơm ngon, tránh ẩm mốc dẫn đến ngộ độc thức ăn và nấm.

Hiện, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có thể bùng phát. Do đó, ngoài việc khôi phục đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường phòng, chống dịch bệnh, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, không tái đàn ồ ạt, tránh thiệt hại khi bước vào vụ sản xuất mới.

Khắc Điệp