Triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học từ năm học 2023-2024

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/3/2024 | 4:03:42 PM

Ngày 15-3, tại Lạng Sơn, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, chuyển đổi số là cấp bách, thiết yếu trên mọi lĩnh vực. Hiện, ngành GD-ĐT đã có hệ thống dữ liệu về ngành, hệ thống các bài giảng để phối hợp với đài truyền hình giảng dạy. Trong thời gian qua, hầu hết các sở GD-ĐT đã thực hiện nội dung chuyển đổi số với tinh thần chủ động, sáng tạo.

Với yêu cầu của đề án chuyển đổi số quốc gia cũng như của Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm học bạ số đối với cấp tiểu học. Đây là điểm mới tác động đến nhiều đối tượng, số lượng học sinh lớn, số lượng giáo viên lớn, do đó ngành GD-ĐT phải thận trọng từng bước. Từ thí điểm để hoàn thiện khung pháp lý, nhân rộng, thực hiện đại trà nếu hiệu quả tốt. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong các sở GD-ĐT chủ động tháo gỡ khó khăn để làm tốt công tác thí điểm.

Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, triển khai thí điểm hệ thống học bạ số nhằm cung cấp quy trình, thủ tục quản lý sử dụng học bạ của học sinh cấp tiểu học. Quá trình thí điểm bao gồm: phần mềm hệ thống, tập huấn sử dụng; vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Cùng với đó, tạo lập, cập nhật học bạ số, quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính sử dụng liên quan đến học bạ số); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia.

63 tỉnh, thành đều có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm. Năm học 2023-2024, sẽ thực hiện thí điểm với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT). Các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số phải có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp phương án, giải pháp triển khai học bạ số khả thi, an toàn, hiệu quả. Các cơ sở tham gia thí điểm phải chuẩn bị các điều kiện như máy tính kết nối mạng internet, phần mềm quản lý để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số...

(Theo SGGP)