Y Can nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2024 | 10:42:14 AM

YênBái - Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.


Đồng chí Nguyễn Huy Trình - Bí thư Đảng ủy xã Y Can cho biết: cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển kinh tế trồng trọt được xem là nhiệm vụ trọng tâm. 

Qua 3 tháng đầu năm 2024, xã đã chỉ đạo gieo cấy hết diện tích lúa xuân đạt 136,4 ha, gieo trồng 65 ha ngô, trồng 5 ha lạc, 36 ha sắn, 10 ha đao riềng, 5 ha khoai lang, 32 ha cây rau màu các loại. Các loại cây trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024 được nhân dân trồng bảo đảm về diện tích, thời vụ và đang được chăm sóc tốt. 

Bên cạnh đó, với diện tích 139,7 ha dâu tằm kinh doanh, quý I năm 2024, xã Y Can đã chủ động hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc dâu mới trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024 bảo đảm sản lượng lá cho nuôi tằm vụ xuân. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi tằm chăm sóc, phòng bệnh cho tằm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả; hướng dẫn Hợp tác xã Dâu tằm Minh Tiến thực hiện nuôi tằm con để cung cấp giống tằm cho các hộ nuôi tằm lớn; đồng thời, tăng cường liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái. 

Là hộ trồng dâu nuôi tằm phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến chia sẻ: "Theo tuyên truyền, giới thiệu của xã, năm 2019, gia đình tôi bắt đầu trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu chỉ trồng ít, nhưng sau một thời gian thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 3 ha dâu để nuôi tằm. Năm 2023 vừa qua, giá kén tăng cao, trừ hết chi phí, gia đình tôi thu về 400 triệu đồng". 

"Tôi thấy, trồng dâu nuôi tằm chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư ban đầu không cao, tằm dễ nuôi, thời gian quay vòng vốn nhanh, đã tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên. Hơn thế, rủi ro từ nuôi tằm lại thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, đậu, lúa…” - chị Hương nói.

Đi đôi với trồng trọt, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can cũng đặc biệt quan tâm phát triển chăn nuôi. Xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm năm 2024; triển khai tiêm vắc - xin lở mồm long móng cho trâu, bò của 99 hộ; đôn đốc phun vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm trên diện tích 43.510 m2 cho 812 hộ chăn nuôi; hướng dẫn nhân dân chuẩn bị các điều kiện về ao, con giống, thức ăn và công tác phòng, chống rét, bệnh cá để đảm bảo diện tích 24,2 ha và 7 lồng nuôi cá. 

Lâm nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng với diện tích trồng rừng toàn xã là 159,32 ha; trong đó, trồng tập trung 91,32 ha, trồng 68 ha cây phân tán. 

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can tiếp tục chỉ đạo nhân dân đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, trồng các loại cây, con chủ lực, chăm sóc tốt diện tích lúa, hoa màu vụ đông xuân năm 2023 - 2024 và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tằm con cung ứng tằm giống cho các hộ nuôi tằm lớn và thực hiện liên kết chặt chẽ với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái để bao tiêu sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ rà soát, thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch, tiếp tục nâng cao các tiêu chí thôn nông thôn mới, thôn nông thôn mới kiểu mẫu đối với các thôn đã được công nhận… 

 Lê Thương