Người dân Yên Bái ưu tiên và tự hào dùng hàng Việt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/7/2024 | 10:45:28 AM

YênBái - Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội, thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân Yên Bái, đưa hàng Việt trở thành sự quan tâm ưu tiên và lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Thông qua các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh Yên Bái và các vùng miền trên cả nước.
Thông qua các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh Yên Bái và các vùng miền trên cả nước.

Dạo quanh thị trường thành phố Yên Bái cũng như một số cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm ở các huyện, thị xã, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều mặt hàng do các nhà sản xuất trong nước cung ứng được các chủ hàng bày bán ở vị trí thuận lợi để người tiêu dùng dễ nhận biết.

Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ cửa hàng tiện ích Thanh Đức, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Cửa hàng chúng tôi thường xuyên thông tin, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng. Giờ hàng hóa đa dạng, người tiêu dùng hiện nay có những thay đổi trong mua sắm, chú trọng lựa chọn hàng hóa chất lượng nên cửa hàng tôi nhập, phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt, trong đó, ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Đến nay, trên 80% mặt hàng trong cửa hàng đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất”.

Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (huyện Yên Bình) luôn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm là thế mạnh, đặc trưng, các sản phẩm OCOP của tỉnh như cá sấy hồ Thác Bà; thịt lợn sấy vị Tây Bắc; rau, củ, quả sấy; gạo, quế, táo mèo... HTX đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách và người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Chị Đào Thị Hiền - Giám đốc HTX cho hay: "Phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng, khách du lịch, HTX rất cẩn thận trong việc lựa chọn các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc trưng đặc sản vùng miền, đảm bảo chất lượng, chủng loại, cạnh tranh tốt về giá cả. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, HTXcòn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm... Do đó, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh bạn đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”.

Với chất lượng ngày càng được nâng cao, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được chú trọng, giá cả hợp lý, nhiều sản phẩm của tỉnh Yên Bái như: trà quế, quế điếu thuốc, chè xanh, chè Shan tuyết Suối Giàng, măng còn được xuất khẩu sang các thị trường EU, Trung Quốc, Đài Loan , Nhật Bản, góp phần thay đổi tư duy, sự nhìn nhận của khách hàng đối với hàng Việt Nam, nên người tiêu dùng Yên Bái đang ngày càng tin dùng các sản phẩm hàng Việt.

Các mặt hàng "made in Vietnam” luôn là ưu tiên trong lựa chọn mua sắm đối với chị Nguyễn Thu Hằng, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Chị Hằng chia sẻ: "Tôi luôn tin dùng các sản phẩm Việt Nam bởi hiện nay, sản phẩm đến từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào. Đặc biệt, từ khi có Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như các địa phương trong cả nước đã được nâng tầm, chất lượng đảm bảo nên tôi cũng thường xuyên tìm mua”.

Để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp, hàng năm, các sở, ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; duy trì, nâng cấp hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Alibaba.com, Sendo, Voso, Postmart. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng cao, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, hội chợ, triển lãm được tích cực triển khai đã giúp người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; từ đó, tin tưởng vào chất lượng, giá cả của sản phẩm. 

Song song với công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cách làm sáng tạo để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sản xuất và tiêu dùng, vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường đã góp phần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công thươn thông tin: "Hiện nay, sản phẩm hàng hóa Việt đã được bày bán đa dạng trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quan tâm, chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hàng hoá, hạ giá thành và xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn.

 Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiệu quả hơn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh vận hành bán hàng trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, để mỗi người dân sẽ luôn ưu tiên và tự hào khi dùng hàng Việt”.

Có thể thấy, hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, tạo điều kiện để sản phẩm mang thương hiệu Việt phát triển và vươn tầm ra thị trường quốc tế.

Thanh Chi