Thí sinh lo điểm chuẩn đại học tăng cao

  • Cập nhật: Chủ nhật, 21/7/2024 | 4:04:48 PM

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều chuyên gia đã nhận định khả năng điểm xét tuyển đại học (ĐH) năm nay sẽ tăng khiến thí sinh lo lắng về cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh còn thời gian hơn 10 ngày nữa đển cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Thí sinh còn thời gian hơn 10 ngày nữa đển cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Điểm sàn, điểm chuẩn đại học đều tăng

Hiện hàng loạt trường ĐH tốp đầu đã công bố ngưỡng bảo đảm đầu vào hay còn gọi là điểm sàn xét tuyển vào trường. Theo đó, xu hướng điểm sàn năm nay đều khá cao. Đại học Ngoại thương vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho 2 phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu xét tuyển bằng 3 môn thi (phương thức 4), thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Mức này áp dụng cho tất cả ngành, đã bao gồm điểm ưu tiên. Nếu kết hợp điểm thi với điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (phương thức 3), điểm sàn từ 16 - 17 điểm. Đây là tổng 2 môn, gồm Toán và một trong các môn Lý, Hóa, Văn (tùy ngành), chưa gồm điểm ưu tiên.

Thí sinh còn thời gian hơn 10 ngày nữa đển cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo đầu tiên công bố điểm sàn. Theo đó, mức điểm sàn chung cho tất cả các ngành đào tạo của các đơn vị thành viên là 20 điểm. Căn cứ mức điểm này, các trường thành viên công bố điểm sàn cho từng ngành đào tạo của đơn vị mình. Đại học Luật Hà Nội cũng công bố, đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của trường: Tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển C00 đạt từ 20 điểm trở lên, các tổ hợp khác đạt từ 18 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh phải từ 7 điểm trở lên.

Ngày 19-7, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn cho 64 chương trình đào tạo tuyển sinh năm 2024. Bên cạnh một số ngành "hot” có đầu vào cao thì theo dự báo này, thí sinh có mức điểm từ 20 trở lên vẫn có cơ hội trúng tuyển. Theo đó, điểm chuẩn thấp nhất dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong khoảng 20 - 22,75 điểm. Các ngành trong nhóm này là: Kỹ thuật môi trường (EV1), Quản lý tài nguyên và môi trường (EV2), Chương trình tiên tiến khoa học và kỹ thuật vật liệu (MS-E3), Công nghệ dệt may (TX1). Mức dự báo năm 2024 của các ngành này có tăng nhẹ so với năm 2023 khoảng 0,75 điểm. Điểm chuẩn dự báo cao nhất thuộc về lĩnh vực Công nghệ thông tin với ngành: Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2) và Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), với mức trên 28 điểm. Các ngành có điểm trúng tuyển ở mức 27 - 28 là Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, An toàn không gian số, Công nghệ thông tin (Việt - Nhật, Global ICT, Việt - Pháp).

Điểm chuẩn đại học 2024 dự kiến tăng từ 1- 3 điểm
Điểm chuẩn đại học 2024 dự kiến tăng từ 1- 3 điểm

Dự kiến điểm chuẩn tăng từ 1 - 3 điểm

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, phổ điểm các môn xét tuyển có tăng hơn so với năm 2023 (ngoại trừ tổ hợp B00 có giảm nhẹ). Điều này đồng nghĩa với việc khi thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn ở nhiều trường cũng sẽ tăng so với 2023. "Đến thời điểm này các trường đã công bố phương thức xét tuyển, với phổ điểm này, tôi dự đoán điểm sàn sẽ tăng nhẹ, điểm chuẩn từ 1 - 3 điểm” - ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM cho biết.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đưa ra nhận định, mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh. Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay mức điểm phổ biến nhất ở hầu hết tổ hợp là 22 - 23 điểm. Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm 2023 ở tất cả các môn. Do đó, nếu không có biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp, và có thể chênh từ 1 - 3 điểm. Những ngành "hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Thí sinh lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng?

Theo các chuyên gia, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm và hài lòng thì nên đặt làm nguyện vọng 1 luôn, còn nếu thí sinh mong muốn 1 ngành ở trường khác thì ưu tiên ngành/trường đó làm nguyện vọng 1 và cũng đừng quên dành kết quả trúng tuyển sớm 1 nguyện vọng để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. "Phải hết sức lưu ý ngành các bạn thích, tổ hợp xét tuyển vào ngành đó xem mình có phù hợp không. Thí sinh nên liệt kê các thông tin về ngành, trường và điểm chuẩn năm 2023, 2022 để so với điểm thi năm nay làm cơ sở chọn ngành phù hợp. Thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng nên có thể ưu tiên nguyện vọng 1 và ngành/ trường mình yêu thích nhất với cơ sở là điểm chuẩn 2023 và 2022 cao hơn khoảng 1,5 điểm so với 2023” - ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ.

Liên quan đến cách sắp xếp nguyện vọng, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) lưu ý thí sinh nên chia các nguyện vọng dự định đăng ký theo 3 nhóm có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các dữ liệu liên quan của nguyện vọng dự định đăng ký (điểm chuẩn, phổ điểm, chỉ tiêu...). Trong đó, nhóm 1 là các nguyện vọng có điểm chuẩn cao hơn từ 1 - 3 điểm so với điểm thi; nhóm 2 là các nguyện vọng có điểm chuẩn tương ứng với điểm thi; nhóm 3 là các nguyện vọng thấp hơn từ 1 - 3 điểm so với điểm thi để dự phòng. Thí sinh yêu thích nguyện vọng nào nhất và thấy phù hợp nhất với năng lực của mình thì đặt đó là nguyện vọng 1, tiếp dần đến hết.

Tính đến thời điểm này, thí sinh cả nước sẽ có một khoảng thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin và chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT đến trước 17h ngày 30-7-2024. Việc cân nhắc thứ tự các nguyện vọng xét tuyển đúng cách dựa trên các nhận định của chuyên gia sẽ giúp thí sinh gia tăng cơ hội trúng tuyển theo đúng mong muốn của các em.

Những mốc thời gian thí sinh cần lưu ý để đăng ký xét tuyển đại học

- Từ ngày 18-7 đến 17h ngày 30-7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

- Từ ngày 22-7 đến 17h ngày 31-7, thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).

- Từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

- Trước 17h ngày 19-8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

- Trước 17h ngày 27-8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.

(Theo ANTĐ)