YênBái - Với mọi người dân Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo tận tụy vì nước vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính, cực kỳ liêm khiết; một hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân; là một người mà cả cuộc đời dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng Đảng vì đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào các dân tộc huyện Văn Chấn, Yên Bái trong chuyến thăm và làm việc tại địa phương vào ngày 4 và 5/1/2013
|
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trong kí ức của thầy cô và bạn học từ bé, "cậu bé Trọng" đã phải đi học xa nhà. Trường học là căn nhà tạm trong một ngôi đình cổ. Bà Đặng Thị Phúc, giáo viên dạy cấp 1 của Tổng Bí thư, kể: "Trọng phải đi bộ từ nhà tới lớp 3-4 cây số. Áo nâu, chân đất trông rất tội. Nhưng chăm chỉ lắm, cả năm không bỏ buổi nào. Trọng học giỏi, tuần nào cũng được lên báo cáo điển hình về học tập. Tính tình điềm đạm, trông khôi ngô, đẹp trai". Với ý chí vươn lên, học tập không ngừng nghỉ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trở thành Giáo sư, Tiến sĩ chính trị học với khả năng lý luận sâu sắc và nguồn tri thức uyên bác của mình để phục vụ cho Đảng, Nhà nước và nhân dân đến giây phút cuối cùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là đại diện cho hình tượng cây tre Việt Nam với rễ chắc, thân khỏe, cành uyển chuyển. Đây chính là lý luận đã đúc kết nên khái niệm hay trường phái "Ngoại giao cây tre Việt Nam", được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên lần đầu tiên trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021). Đây là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Việt Nam sẽ tiếp thu có chọn lọc văn minh tiến bộ của thế giới trên nền tảng kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trọn vẹn một cuộc đời có gốc rễ vững chắc, tức là niềm tin vào hồn cốt và ý niệm về Đảng, về nhân dân mà bản thân đã theo đuổi; thân cành uyển chuyển thể hiện sự linh hoạt trong biện pháp triển khai mà mang lại nhiều thành tựu rực rỡ cho đất nước, lợi ích thiết thực lâu dài cho người dân Việt Nam.
Trong kho tàng tư tưởng của Người mà Đảng Cộng sản Việt Nam lấy làm nền tảng để hình thành và phát triển trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam”, đáng chú ý là tư tưởng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam là một bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới; "dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên trì thực hiện, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết trong mọi hoàn cảnh, kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược; đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; "thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Bên cạnh những đức tính như giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cực kỳ liêm khiết. Với chiến dịch "đốt lò” trong suốt hai nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XII và XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực. Tồng Bí thư luôn tự nhắc nhở, không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"? Sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và các lãnh đạo chủ chốt là sự bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.
Những người thoái hóa, biến chất, bất kể ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, kể cả sai phạm đã xảy ra từ lâu, bất kể ngành nghề công tác hay trình độ học vấn…cứ đi ngược lại lời thề trước Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, lo vun vén cho bản thân và nhóm lợi ích, làm thất thoát tiền của Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật… đều bị xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Câu nói "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên…" của đồng chí Tổng Bí thư là hình ảnh sinh động, gần gũi mà người đứng đầu Đảng ví von về công cuộc chống tham nhũng đã trở thành một câu nói khắc sâu trong nhân dân. Chính sự nghiêm khắc trong lời nói và hành động, xuất phát từ chính bản thân mình, sự liêm khiết và tận trung với Đảng và nhân dân đã tạo cho người lãnh đạo đáng kính ấy lòng tin, vị trí vững chắc, sự đồng lòng, ủng hộ trong nhân dân.
"Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, một tấm gương về sự trung thành, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, có một cuộc sống rất giản dị, biết lắng nghe ý kiến của đồng chí, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia dân tộc lên trên hết, sống một cuộc đời thanh liêm, đạm bạc. Sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một niềm thương tiếc và một sự biết ơn vô hạn của nhân dân”, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nghẹn ngào bày tỏ tình cảm của mình về người Tổng Bí thư đáng kính.
Trong vở kịch "Người trong cõi nhớ”, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết: "Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người khác, những người không bao giờ bị lãng quên…” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn sống mãi trong trái tim của nhân dân, đó là biên giới vượt ngoài quy luật "sinh, lão, bệnh, tử", vượt thời gian. Những giá trị mà đồng chí để lại, lớp những thế hệ đi sau vừa là bài học về đạo đức, tư cách làm Người - một chữ "Người" viết hoa, vừa là bài học để cả dân tộc vững tin vào sự dẫn dắt của Đảng. Bông hoa ấy sống giữa vạn dân, đi giữa vạn dân, hoà cuộc đời mình vào cuộc đời của cả dân tộc."Phía cuối bầu trời nắng cạn, mây dần tan/ Kiên định, liêm khiết một đời vang”.
Nguyễn Khánh Linh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)