Lục Yên hoàn thành tu sửa, nâng cấp khu Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/8/2024 | 9:03:27 AM

YênBái - Xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) vừa tổ chức khánh thành công trình tu sửa, nâng cấp Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn.

Việc hoàn thiện tu sửa, nâng cấp khu Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn sẽ tiếp tục là
Việc hoàn thiện tu sửa, nâng cấp khu Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn sẽ tiếp tục là "địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng


Với sự quan tâm của huyện Lục Yên trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử, khu Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn được đầu tư 160 triệu đồng để thực hiện tu sửa, nâng cấp; 100% từ nguồn vốn xã hội hoá, trong đó 150 triệu đồng từ Ngân hàng Quân đội (MB), 10 triệu đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" huyện. 

Sau gần 1 tháng tu sửa, nâng cấp đến nay việc tu sửa, nâng cấp Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn đã hoàn thành.

Được biết, ngày 9/5/1945, trên đồi sim Cổ Văn, xã Mường Lai, Đội du kích Cổ Văn được thành lập, gồm 7 người. Đây là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên được thành lập ở huyện Lục Yên. Nhân dân phấn khởi ủng hộ Đội du kích, khí thế cách mạng dâng cao, Đội du kích tăng lên 17, rồi 26 người, được biên chế thành 2 tiểu đội. 

Đội du kích vừa luyện tập xây dựng lực lượng vừa vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng Việt Minh, lập dân phòng, lập các điểm canh kiểm soát người ra vào căn cứ, tổ chức mai phục đánh tan các đội quân của Quản Ván, Quản Lộc và Vàng Xập. Thanh thế Đội du kích Cổ Văn lan rộng khắp vùng.

Ngày 4/7/1945, sau khi nắm tình hình địch, Đội du kích được lệnh lên đường giải phóng châu Lục Yên. Tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống cùng các chiến sĩ Cổ Văn bắt sống quan châu Lục Yên, cảm hóa và buộc hắn viết thư yêu cầu binh sĩ Lục Yên đầu hàng. Ngày 8/7/1945, đồng chí Hoàng Triều Cống cùng 26 chiến sĩ du kích bao vây đồn Lục Yên. 

Đội du kích Cổ Văn áp sát, khép chặt vòng vây, Tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống một mình tiến thẳng về phía những nòng súng địch, cầm thư của Trần Lê Nghiêm và tối hậu thư của Việt Minh vào dụ hàng địch trong đồn. Ngày 10/7/1945, Ủy ban Kháng chiến lâm thời huyện Lục Yên ra mắt nhân dân.

Sau khi giải phóng châu Lục Yên, tham gia thành lập Ủy ban Kháng chiến lâm thời huyện và xã, Đội du kích Cổ Văn trở về căn cứ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới tại vùng chiến khu. Ngày 28/12/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Quyết định công nhận nơi thành lập Đội du kích Cổ Văn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Hoàn thiện tu sửa, nâng cấp khu Di tích căn cứ cách mạng Cổ Văn là việc làm cần thiết, đáp ứng đúng mong muốn, nguyện vọng của cấp uỷ, chính quyền và người dân nhân dân trên địa bàn; là "địa chỉ đỏ” để huyện Lục Yên giáo dục truyền thống cách mạng, là niềm tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Văn Tuấn