Yên Bái tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/8/2024 | 4:35:01 PM

YênBái - Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với tổng số tiền gần 15,7 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền gần 5,75 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế gần 10 tỷ đồng; ban hành 1.022 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 25,3 tỷ đồng, bằng hình thức khác gần 3,1 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh công bố kết luận thanh tra tại UBND huyện Văn Chấn.
Thanh tra tỉnh công bố kết luận thanh tra tại UBND huyện Văn Chấn.

Ngày 1/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra. Từ khi Chỉ thị 11 được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nghiêm túc tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong tình hình mới. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Chánh Thanh tra tỉnh về một số kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 11.

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra?

Ông Nguyễn Đăng Bình: Qua 3 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị có chức năng thanh tra chú trọng tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, các vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; nội dung thanh tra cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn và đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm, kịp thời kiến nghị thu hồi tiền, tài sản vi phạm nộp ngân sách Nhà nước; kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế, kẽ hở trong cơ chế, chính sách của địa phương, góp phần quan trọng trong công tác cải cách tư pháp, hoàn thiện chính sách pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên cơ sở dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và tiến hành xử lý chồng chéo đối với 241 đối tượng, bảo đảm không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. 

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra của các cấp, ngành đã phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp đối với 31 đối tượng là doanh nghiệp; hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra không ngừng được nâng cao. Thanh tra toàn tỉnh đã tiến hành 585 cuộc thanh tra; trong đó, có 511 cuộc thanh tra theo kế hoạch (số cuộc thanh tra theo kế hoạch được tổ chức triển khai thực hiện hằng năm đạt 100% kế hoạch); 74 cuộc thanh tra đột xuất. 


Ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Chánh Thanh tra tỉnh.  

Đặc biệt, đã chú trọng hơn về thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý nhà nước, việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng thanh tra về công tác cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thụ hưởng khác. Số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra trách nhiệm đã được nâng lên (tăng 13 cuộc thanh tra trách nhiệm so với giai đoạn 2018-2020).

Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với tổng số tiền gần 15,7 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền gần 5,75 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế gần 10 tỷ đồng; ban hành 1.022 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 25,3 tỷ đồng, bằng hình thức khác gần 3,1 tỷ đồng; xử lý khác về đất đai với diện tích 28.588m2, xử lý hành chính đối với 36 tổ chức và 46 cá phân; đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển 2 hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; có 5 kiến nghị về cơ chế, chính sách được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phù hợp với thực tiễn của tỉnh và được tổ chức triển khai thực hiện; 100% các kiến nghị xử lý về thanh tra đã được đối tượng thanh tra và các đối tượng có liên quan nghiêm túc tiếp thu, tổ chức thực hiện; tỷ lệ thu hồi tiền vi phạm qua thanh tra đạt trên 90%, riêng Thanh tra tỉnh đạt 100%.

P.V: Vậy, đồng chí có thể cho biết những bài học kinh nghiệm mà Thanh tra tỉnh rút ra sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy? 

Ông Nguyễn Đăng Bình: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 11 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, việc quán triệt, triển khai, thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác thanh tra phải được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, có quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ hai, trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra phải bám sát các quy định của pháp luật, định hướng của Thanh tra Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra bảo đảm toàn diện, khách quan, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, đúng với tình hình thực tiễn, không trùng lắp với các cuộc kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, đối thoại với công dân; tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thường xuyên kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức, viên chức; xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác thanh tra; tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy ngành thanh tra; chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

P.V: Xin đồng chí cho biết những định hướng, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đăng Bình: Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian tới, các cấp ủy cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc, bài bản các chủ trương, định hướng, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác thanh tra, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. Trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 11-CT/TU gắn với việc triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 50-QĐ/TU ngày 15/4/2024 của BTV Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan thanh tra. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, chính sách; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, đối thoại với công dân; tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thường xuyên thanh tra việc thực thi công vụ của công chức, viên chức; xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện tốt các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt và thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan chức năng trong việc ban hành kết luận thanh tra. Thường xuyên rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân, đối tượng thanh tra thực hiện triệt để kiến nghị xử lý sau thanh tra; kịp thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập hoặc không phù hợp trong các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của thanh tra các sở, ngành và thanh tra cấp huyện. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm để kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, kết luận thanh tra không đúng quy định, vi phạm các quy định của Luật Thanh tra. 

Tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phân định rõ phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền giữa công tác thanh tra với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan tiến hành tố tụng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Anh Dũng (thực hiện)