Bản án dành cho đôi vợ chồng nhiều lần trộm cắp

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2024 | 7:37:28 AM

YênBái - Đôi vợ chồng nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp hàng chục rọ tôm của các hộ gia đình khác đã phải chịu mức án thích đáng.

Vụ án trộm cắp tài sản đối với hai bị cáo Vui và Hưởng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm được Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức trực tuyến.
Vụ án trộm cắp tài sản đối với hai bị cáo Vui và Hưởng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm được Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức trực tuyến.

Cùng vất vả mưu sinh, lênh đênh trên hồ Thác Bà nhưng vợ chồng Đặng Văn Vui, sinh năm 1988 và Vi Thị Hưởng, sinh năm 1995, trú tại thôn Cối Máy, xã Yên Thành, huyện Yên Bình không chăm chỉ, bảo ban nhau làm ăn mà chỉ vì lợi ích trước mắt đã thực hiện hành vi trộm cắp hàng chục rọ tôm của các hộ gia đình khác. 

Trong khoảng thời gian từ 9/8/2022 đến 12/8/2022, Vui và Hưởng điều khiển một chiếc thuyền xi măng khung kim loại có động cơ nổ gắn với chân vịt đi đánh tôm, cá trên hồ Thác Bà. 

Quá trình đánh bắt trên hồ, 2 vợ chồng Vui, Hưởng đã lấy trộm của gia đình anh Lý Văn Thức, trú tại thôn Ngòi Thương, xã Yên Thành, huyện Yên Bình 45 rọ tôm bát quái loại 29 khung kim loại tại khu thuộc thôn Ngòi Hương, xã Yên Thành, huyện Yên Bình. Sau khi lấy được số rọ tôm này, Vui dùng sơn màu vàng sơn lại 2 đầu túi để đánh dấu là rọ tôm của gia đình mình rồi dùng để đánh tôm trên hồ Thác Bà. 

Với hành vi tương tự, ngày 11/4/2023, Vi Thị Hưởng tiếp tục ăn trộm của gia đình anh Đặng Văn Tấn, thôn Ngòi Di, xã Yên Thành 30 chiếc rọ tôm loại 29 khung kim loại. Khoảng 9 giờ, ngày 26/8/2023, Vui đang vớt rọ tôm thì bị anh Thức phát hiện và trình báo sự việc đến Công an xã Yên Thành, huyện Yên Bình. 

Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá thường xuyên tài sản trong tố tụng hình sự huyện Yên Bình kết luận: 45 rọ tôm bát quái loại 29 khung kim loại tại thời điểm tháng 8/2022 trị giá 9,45 triệu đồng; 30 rọ tôm bát quái loại 29 khung kim loại tại thời điểm tháng 4/2023 trị giá 6,3 triệu đồng.

Áp dụng Khoản 1 Điều 173, điểm h, i, s Khoản 1 Điều 51; Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự, TAND huyện Yên Bình xử phạt bị cáo Đặng Văn Vui 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 1 năm 6 tháng; bị cáo Vi Thị Hưởng 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm 6 tháng. 

Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 357, Điều 468, Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự, TAND huyện Yên Bình buộc 2 bị cáo phải bồi thường cho anh Lý Văn Thức số tiền 4,62 triệu đồng; bị cáo Vi Thị Hưởng phải bồi thường cho anh Đặng Văn Tấn số tiền 4,62 triệu đồng. 

Ngoài bản án sơ thẩm quyết định việc giao các bị cáo cho UBND xã Yên Thành, huyện Yên Bình giám sát, giáo dục, gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo, quy định về việc vi phạm nghĩa vụ; nghĩa vụ chịu lãi suất do chậm thực hiện bồi thường; án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. 

Đến ngày 19/4/2024, bị hại Lý Văn Thức và Đặng Văn Tấn có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử TAND tỉnh quyết định, sửa bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Yên Bình về phần bồi thường thiệt hại như sau: bị cáo Vui và Hưởng phải bồi thường cho Lý Văn Thức 15 triệu đồng (đã bồi thường 7 triệu đồng); bị cáo Hưởng phải bồi thường cho Đặng Văn Tấn 10 triệu đồng (đã bồi thường 5 triệu đồng).

Là người có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, biết việc lấy trộm tài sản là vi phạm pháp luật, hành vi của 2 bị cáo Vui và Hưởng là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu, quản lý tài sản của công dân được pháp luật hình sự bảo vệ, ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương. Vì mục đích tư lợi cá nhân nên hai bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần. Đây là bản án thích đáng dành cho Vui và Hưởng, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh cáo.

Mai Linh