Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Lục Yên đã xây dựng mới được 38 mô hình tập thể, 80 mô hình cá nhân cấp huyện, nâng tổng số mô hình cấp huyện và cấp tỉnh của huyện lên 543 mô hình, gồm 362 mô hình tập thể, 181 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực; trong đó, mô hình về xây dựng nông thôn mới là nhiều nhất, với trên 320 mô hình. Cấp cơ sở có trên 500 mô hình.
Đồng chí
Trần Tiến Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa Kế hoạch số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hướng dẫn triển khai nội dung chuyên đề hàng năm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên đã chủ động tham mưu giúp Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai việc xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả. Việc triển khai xây dựng mô hình, ĐHTT được gắn chặt chẽ với nội dung chuyên đề của từng năm. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, cơ sở được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện”.
Có thể kể đến các mô hình như mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch của thôn
Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng; mô hình "Xóm hoa hạnh phúc” tại thôn 8, xã Mường Lai; mô hình truyền dạy dân ca Tày của Nghệ nhân Ưu tú
Mai Thị Hồng Chắn... Mô hình được đông đảo người dân tham gia nhất là hiến đất làm đường nông thôn và các công trình phúc lợi. Từ năm 2021 đến nay, đã có 5.487 hộ tự nguyện hiến gần 594.000 m2 đất, chặt hạ trên 220.000 cây cối các loại; tháo dỡ, phá bỏ gần 44.600 m2 vật kiến trúc để đóng góp làm đường nông thôn và các công trình phúc lợi trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện
Trấn Yên hiện có 1.145 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, ĐHTT ở cả 3 cấp và đã có nhiều tập thể, cá nhân được công nhận là mô hình, ĐHTT. Trong năm 2024, nhằm tăng cường triển khai theo chiều sâu Kế hoạch 24 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Trấn Yên đã ban hành Kế hoạch số 200 ngày 18/6/2024 triển khai việc "Phát huy vai trò của mô hình, ĐHTT trong việc truyền động lực, cảm hứng, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Mục tiêu của Kế hoạch là gắn kết việc thực hiện Kế hoạch số 24 của Tỉnh ủy với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 61 ngày 20/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được chia làm 5 giai đoạn: giai đoạn một là tiến hành rà soát đối tượng, bao gồm đối tượng truyền cảm hứng, là các mô hình, ĐHTT tiêu biểu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và đối tượng nhận cảm hứng, bao gồm các hộ thụ hưởng chính sách giảm nghèo; giai đoạn hai là xây dựng tư liệu tuyên truyền; giai đoạn ba là tổ chức chương trình tham quan, gặp mặt, kết nối giữa nhóm hộ truyền cảm hứng và nhóm hộ nhận cảm hứng; giai đoạn bốn là hỗ trợ đối tượng nhận cảm hứng xây dựng kế hoạch, ghép cặp đồng hành, theo dõi, giúp đỡ đối tượng nhận cảm hứng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế; giai đoạn năm là tổng kết, đánh giá, khen thưởng.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh có 4.320 tập thể, 4.071 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, ĐHTT (tăng 962 tập thể, 1.284 cá nhân so với năm 2023); trong số đó, có 1 tập thể, 2 cá nhân điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể, 1 cá nhân được đề nghị tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương; 1 cá nhân ĐHTT được khen thưởng ở cấp tỉnh; 10 tập thể, cá nhân tiêu biểu được lựa chọn, giới thiệu tham gia Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý”; 1 cá nhân điển hình được lựa chọn để xây dựng phim ngắn, phim tài liệu tuyên dương các ĐHTT trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo khi nghiên cứu, bổ sung mô hình (ngoài các mô hình chung của toàn tỉnh) phù hợp với tình hình cụ thể.
Nhiều mô hình hay, ĐHTT có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ tiếp tục được duy trì như: mô hình xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc; mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (thị xã Nghĩa Lộ và các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu); mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” (Huyện ủy Mù Cang Chải); mô hình "Mẹ đỡ đầu” (Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an tỉnh); mô hình quân nhân sáng tạo trong nghiên cứu, nâng cao chất lượng vũ khí chiến đấu (Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)…
Việc tiếp tục tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình, ĐHTT trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị đã tiếp tục thúc đẩy chuyển từ học tập sang làm theo, trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Thu Hạnh