Yên Bái họp trực tuyến trong đêm: Tăng cường giải pháp hỗ trợ người dân và khắc phục hậu quả thiên tai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2024 | 11:40:50 PM

YênBái - Tối 13/9, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị của UBND tỉnh Yên Bái trực tuyến với các địa phương bị ảnh hưởng nặng do cơn bão số 3 để nắm bắt tình hình hậu quả, thiệt hại; bàn các giải pháp khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.

Dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh. 

Thiệt hại chưa từng có

Tại Hội nghị, các địa phương: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái đã báo cáo nhanh về tình hình mưa bão trong những ngày qua. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, tính đến thời điểm 15h00 ngày 13/9, ảnh hưởng cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, toàn tỉnh Yên Bái đã có 55 người chết và mất tích, trong đó: chết do sạt lở đất 50 người, do ngập lụt 3 người; thiệt hại 23.535 nhà ở; thiệt hại, ảnh hưởng 5.441 ha cây trồng; 179 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 22 trường học bị ngập lụt; 653 trạm BTS bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại theo thống kê sơ bộ khoảng 1.240 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã huy động 104.785 người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; huy động 129 máy xúc, 14 máy ủi, 322 ô tô, 63 xuồng máy, 14 thuyền máy, 11 thuyền nan, 38 máy phát điện… tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường, vệ sinh môi trường.


Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị.

Tỉnh Yên Bái đã tổ chức thăm hỏi, trao hỗ trợ cho người bị thương nặng do bão lũ, sạt lở đất đang điều trị tại các cơ sở y tế với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người; thăm hỏi, gia đình có người chết, mất tích hỗ trợ 25 triệu đồng/người; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ tạm thời cho 100% hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn là 40 triệu đồng/hộ, nhà bị hư hỏng nặng 20 triệu đồng/hộ…

Tại Hội nghị, các địa phương đề xuất tỉnh bố trí khu tái định cư cho người dân trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, bão lũ; tăng chỉ tiêu giao theo đề án làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023-2025 do sau bão lũ đã có thêm nhiều hộ nghèo có nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng; đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục trong việc đổ thải để việc thu gom, vận chuyển, xử lý bùn đọng, rác thải sau lũ được nhanh chóng, thuận lợi; đề xuất tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá những điểm còn nguy cơ cao về sạt lở đất để tổ chức di dời người dân, đảm bảo an toàn…


Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trao đổi về chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.

Các sở ngành cũng báo cáo tình hình thiệt hại cụ thể, kế hoạch khắc phục, tiến độ thực hiện và đề xuất các giải pháp với UBND tỉnh để sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh chóng khắc phục được sự cố góp phần sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh tại địa phương. 

Tập trung cao nhất cho công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích, dẩm bảo cuộc sống người dân phải di dời 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Yên Bái vừa trải qua một đợt thiên tai, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn, để lại nhiều điều đau xót, tiếc nuối. Cho đến hôm nay, công tác khắc phục hậu quả sau bão và hoàn lưu bão đã để lại những kết quả tích cực. Đó là nhờ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, đồng lòng vào cuộc của toàn thể xã hội và đặc biệt nữa là sự ủng hộ, đồng tình của người dân với tinh thần "tương thân, tương ái”. 

Các địa phương đã phát huy tối đa "4 tại chỗ”, chủ động rà soát các điểm nguy hiểm, triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong công tác PCTT – TKCN. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác tìm kiếm các nạn nhân còn đang mất tích; cần thành lập ngay đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực địa, rà soát, đánh giá thực chất các điểm còn nguy cơ sạt lở để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại.

Cùng với đó phải chăm lo chu đáo, đảm bảo cuộc sống trước mắt cho các trường hợp đang phải di dời bởi thiên tai; đảm bảo việc cấp điện, nước sinh hoạt cho người dân; chủ động phối hợp các lực lượng để dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo môi trường sau lũ trên cơ sở sử dụng các nguồn nước khác để tiết kiệm nguồn nước máy đảm bảo cho sinh hoạt.


Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị


Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các ngành, địa phương phải chủ động lo an táng, hậu sự đầy đủ, chu đáo cho các nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ; hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại theo đúng chính sách của tỉnh; nhanh chóng khôi phục lại cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để đảm bảo giao thương đi lại, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Nhanh chóng khôi phục sản xuất

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhanh chóng nắm bắt tình hình thiệt hại sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nhất là vùng trồng lúa, trồng cây ăn quả, vùng trồng dâu có diện tích lớn để có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm khôi phục sản xuất; chủ động tham mưu để tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù trong sản xuất nông nghiệp.

Các cấp, ngành và các lực lượng tập trung nhân lực, thực hiện biện pháp kịp thời giải quyết những khu vực, nhiệm vụ cấp bách về y tế, trường học để sớm khắc phục hậu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn để sớm ổn định trường, lớp để học sinh tới trường; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, lưu ý tránh các trường hợp lợi dụng thiên tai để có những hoạt động trái pháp luật trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương sáng, hình ảnh đẹp trong PCTT - TKCN và công tác an sinh xã hội...

Hoài Văn