Xót xa vùng dâu Việt Thành

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/9/2024 | 1:37:27 PM

YênBái - Cơn bão số 3 đã biến vùng dâu tằm ở xã Việt Thành - nơi được coi là “thủ phủ” nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên trở nên tan hoang, xơ xác. Nỗi xót xa không thể kể hết của những người trồng dâu, nuôi tằm. Người dân sẽ rất khó để khắc phục được diện tích dâu tằm này nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các sở, ngành, địa phương.

Gia đình Vũ Thị Lan, thôn Lan Đình, xã Việt Thành có 1,2 mẫu dâu, đang nuôi 3 nong tằm, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu khoảng 6 triệu đồng cho gia đình. Vậy mà đang chuẩn bị vào kén lứa đầu tiên này thì thiên tai ập xuống, cả 3 nong tằm bị ngập trong nước, phải đổ bỏ. Mặc dù nước lũ đã rút nhưng ruộng dâu vẫn bám đầy bùn nhão, nhiều cây dâu chết rũ vì ngâm nước lâu ngày.

Cùng cảnh với gia đình chị Lan, gia đình ông Trần Anh Đức cùng thôn, có 1,5 mẫu dâu, với 6 nong tằm/lứa. Những ngày đầu cơn bão số 3, thấy nước lên, gia đình ông đã chuẩn bị tích trữ lượng lớn lá dâu cho tằm ăn và tưởng chỉ đến thế. Vạy mà chỉ sau một đêm mưa xối, nước lũ dâng cao, cả 6 nong tằm cũng đều đã hỏng. Hôm nay, ông phải đem ra ruộng đổ. Ông Đức não nề: "Diện tích dâu tằm đang xanh tốt, vụ tằm này mới là lứa đầu thì nước tràn về nhấn chìm hết các ruộng dâu. Bị chìm trong nước lâu ngày, phù sa bồi lấp nên toàn bộ diện tích dâu của gia đình xuất hiện lá úa, ngọn thối nhũn, khả năng cao cây dâu sẽ chết. Hiện gia đình tôi chưa biết tính sao”.


Nhiều diện tích dâu tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đã chết khô do ngập trong bùn nước lâu ngày, 

Cơn bão số 3 đã làm vỡ đê sông Hồng, nước tràn vào đã nhấn chìn toàn bộ 30 ha cây dâu tằm của Hợp tác xã Dâu tằm tại thôn Trúc Đình, xã Việt Thành. Cả 11 hộ của hợp tác xã này chỉ còn lại được chút kén từ những nong tằm đợt 1 chín sớm. Diện tích dâu không còn, kéo theo việc ươm nuôi tằm con cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các thành viên Hợp tác xã.

Xã Việt Thành hiện có trên 220ha dâu. Đây là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất của huyện Trấn Yên. Do ảnh hưởng của bão số 3, 100% diện tích dâu của xã bị ngập chìm trong nước. Đến nay, nhiều diện tích dâu nước đã rút song bị hỏng lá, bùn đất bám đầy gốc, làm cây dâu bị thối ngọn, trên 50% diện tích khó có khả năng hồi phục, cần phải trồng lại mới.


Nhiều nong tằm gần đến ngày vào kén phải đổ bỏ, do ngập nước.

Theo ông Đỗ Minh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với diện tích trên cao mà cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây dâu phục hồi. Đối với những diện tích phải trồng lại cần phải xem xét yếu tố cải tạo đất, nếu nhiều cát bồi lắng sẽ phải đào đi. Nói chung, để ổn định được vùng dâu như hiện tại là rất khó khăn, nhưng Việt Thành quyết tâm giữ vững làng nghề trồng dâu nuôi tằm.

Việt Thành có thêm những lý do để giữ vững vùng dâu. Đó là sự quan tâm, lo lắng sát sao của các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh, huyện cho vùng dâu Việt Thành. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đỗ Đức Duy đã trực tiếp lên thị sát cánh đồng dâu và có những chỉ đạo rất cụ thể về phương án khắc phục, trong đó có nhấn mạnh chính sách đặc thù để khôi phục lại diện tích dâu. 

Bão số 3 đã làm trên 750 ha dâu bị ảnh hưởng, chiếm ¾ diện tích dâu của toàn huyện, trong đó vùng trọng điểm dâu Việt Thành bị thiệt hại nặng nề nhất. Trước những mất mát do thiên tai, người dân trồng dâu nuôi tằm Trấn Yên rất cần sự quan tâm của Nhà nước, các sở, ngành, địa phương có những chính sách hỗ trợ cải tạo đất, cây giống để bà con trồng lại dể khôi phục diện tích, cũng là giữ một sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Trấn Yên.

Minh Huyền - Mạnh Cường